Tình trạng bệnh nhân 91 ổn định, không sốt, mạch và huyết áp ổn định, chức năng phổi có cải thiện khá hơn sau tập vật lý trị liệu hô hấp, bệnh nhân tiếp tục thở máy và can thiệp ECMO.
Trong ngày 23-4, có 3 trường hợp nghi ngờ được lấy mẫu, kết quả có 1 trường hợp âm tính và 2 trường hợp đang chờ kết quả.
Số trường hợp đang cách ly tập trung trong ngày là 48 trường hợp; số trường hợp đang cách ly tại nhà, nơi lưu trú trong ngày là 155 người. Toàn bộ người nhập cảnh đã kết thúc thời gian cách ly tập trung.
Ngày 23-4, có 12 chuyến bay quốc tế đến TP, đã tiến hành khai báo y tế đối với 71 người là thành viên tổ bay; 11 chuyến bay quốc nội, khai báo y tế 1.335 người (tổ bay 53 người), lấy mẫu xét nghiệm 1.281 hành khách và 53 của tổ bay, có 1 cán bộ lãnh đạo không lấy mẫu; có 2 chuyến tàu lửa, khai báo y tế 706 hành khách và lấy mẫu xét nghiệm 706 hành khách.
Tính đến ngày 22-4, ngành y tế TP đã tiến hành xét nghiệm sàng lọc giám sát cho 6.281 công nhân lưu trú trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, kết quả tất cả các xét nghiệm đều âm tính. Đến sáng 23-4, đã thực hiện xét nghiệm Covid-19 cho 52.769 người.
* Ngày 23-4, Sở Y tế TPHCM đã chính thức ban hành “Bộ tiêu chí đánh giá chỉ số rủi ro lây nhiễm Covid-19 tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn TPHCM”. Đây là một công cụ hữu ích trong công tác quản lý rủi ro lây nhiễm Covid-19 trong môi trường chăm sóc người bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh, đặc biệt là tại các bệnh viện.
Bộ tiêu chí đánh giá chỉ số rủi ro đã được đánh giá thử nghiệm tại một số cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn TP, sau đánh giá đã có những hiệu chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế.
Phiên bản chính thức bao gồm 31 tiêu chí thuộc 10 nhóm rủi ro, tương ứng với nhiều loại hình cơ sở khám, chữa bệnh khác nhau, từ bệnh viện đến trạm y tế, cho đến các phòng khám đa khoa, chuyên khoa. Mỗi tiêu chí được chấm điểm nguy cơ rủi ro từ cao nhất (10 điểm) đến rất ít nguy cơ (1 điểm).
Chỉ số rủi ro lây nhiễm Covid-19 của cơ sở khám, chữa bệnh là điểm trung bình cộng của tất cả các tiêu chí áp dụng cho loại hình cơ sở khám, chữa bệnh tương ứng. Sở Y tế yêu cầu tất cả bệnh viện và các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn TP căn cứ vào bộ tiêu chí này, phân công bộ phận chuyên trách tiến hành tự đánh giá chỉ số rủi ro của đơn vị mình định kỳ hàng tháng hoặc đột xuất khi cần thiết.
Kết quả đánh giá sẽ giúp các cơ sở khám, chữa bệnh xác định những hoạt động ưu tiên cần tập trung nguồn lực để giảm thiểu rủi ro bị lây nhiễm Covid-19, góp phần không ngừng nâng cao mức an toàn cho cả người bệnh và nhân viên y tế.
* Chiều 23-4, Sở Y tế TPHCM đã có công văn khẩn gửi đến UBND, Phòng Y tế 24 quận huyện và các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân về việc cho hoạt động lại các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân sau thời gian dài ngưng hoạt động phòng Covid-19.
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND TPHCM về việc chuẩn bị cho giai đoạn mới với tinh thần “vừa chống dịch, vừa đảm bảo đời sống sản xuất”, xây dựng lộ trình nới lỏng từng bước, nhưng phải kiểm soát đúng mức, không chủ quan, lơ là với dịch bệnh Covid-19, Sở Y tế đồng ý việc các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân đã tạm dừng hoạt động trong thời gian qua do thực hiện cách ly xã hội được phép hoạt động trở lại kể từ ngày 23-4, nhưng phải đảm bảo các yêu cầu phòng dịch bệnh Covid-19.
Cụ thể, phải nghiêm túc thực hiện các quy định của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM về việc mang khẩu trang, rửa tay, đo thân nhiệt, giữ khoảng cách tối thiểu 2m tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Thực hiện kê khai y tế đối với tất cả người đến cơ sở khám chữa bệnh, tuân thủ các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn và sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân khi tiếp xúc người bệnh.
Khi tiếp nhận người bệnh có yếu tố nghi ngờ nhiễm Covid-19, phải cách ly ngay người bệnh, khai thác kỹ yếu tố dịch tễ, các triệu chứng lâm sàng và ghi chép hồ sơ bệnh án đây đủ, liên hệ chuyển tuyến đúng quy định để tránh lây nhiễm cho cộng đồng. Riêng các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, vật lý trị liệu, Sở Y tế TPHCM yêu cầu vẫn tiếp tục ngưng hoạt động cho đến khi có thông báo mới.