Hậu Giang là địa phương có tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao nhất: 99,99%. Các tỉnh: Trà Vinh 99,98%; Lào Cai 99,98%; Vĩnh Long 99,97%; Bến Tre 99,97%; Hà Giang 99,96%; Quảng Nam 99,96%; Bình Phước 99,96%; Gia Lai 99,95%; Quảng Ninh 99,95%; Lâm Đồng 99,94%; Điện Biên 99,93%; Bạc Liêu 99,91%; TP Đà Nẵng 99,90%; Thừa Thiên Huế 99,90%.
Hầu hết các Tổ bầu cử đều tuyên bố kết thúc cuộc bỏ phiếu đúng theo giờ quy định, có một số nơi kết thúc cuộc bỏ phiếu lúc 21 giờ. Hiện nay các Tổ bầu cử đang khẩn trương tiến hành kiểm phiếu để báo cáo kết quả bầu cử đến Ban bầu cử.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của cuộc bầu cử, quyền và nghĩa vụ của công dân nên cử tri cho rằng cuộc bầu cử thể hiện được sự dân chủ, đổi mới, đã thực sự phát huy quyền làm chủ của nhân dân, cử tri đã ý thức và nêu cao trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong việc cân nhắc, lựa chọn những đại biểu xứng đáng, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình để bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; đồng thời tin tưởng vào thành công của cuộc bầu cử. Điều đó đã được thể hiện ở hầu hết các địa phương có tỷ lệ cử tri đi bầu cao.
Nhân dân cũng ghi nhận các cơ quan thông tấn báo chí trong nước và quốc tế đã tập trung cao độ, dành thời gian, dung lượng lớn tin bài cho ngày bầu cử. Tính đến 17 giờ ngày 23-5, tổng số tin bài về bầu cử được đăng tải trên báo chí là 8.611, chiếm 31% tổng số tin bài trong ngày.
Cho đến thời điểm kết thúc bầu cử, tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội ở các địa phương được bảo đảm, chưa có vấn đề bất thường xảy ra.
Ở những nơi có vấn đề phát sinh tình huống sai sót về phiếu bầu, Thường trực Hội đồng Bầu cử quốc gia đã cho ý kiến, các địa phương đã tổ chức bầu cử lại đảm bảo tiến độ theo quy định.