Phân tích định lượng (Quantitative analysis) là kỹ năng đọc và phân tích các con số, từ đó đưa ra những nhận định hoặc kết luận cho một vấn đề được đặt ra. Ngày nay, kỹ năng định lượng đang dần trở nên quan trọng và không thể thiếu của nhân lực ở hầu hết các lĩnh vực như: kinh tế, tài chính, khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, viễn thông, y - sinh học... Và thực tế, nếu học ngành Toán ứng dụng sẽ giúp bạn giải quyết những vấn đề này một cách dễ dàng.
Giảng viên, sinh viên ngành Toán ứng dụng Trường ĐH Hoa Sen tham gia hội thảo Kinh doanh thông minh và Phân tích dữ liệu lớn
Nhu cầu cao
Sự phát triển vượt bậc của hạ tầng công nghệ thông tin và các mạng xã hội như Facebook, Linkedin, Twitter, ... dẫn đến sự bùng nổ của thông tin mà hầu hết đều được lưu lại dưới dạng những con số cụ thể. Chuyên viên phân tích định lượng là nhân lực sẽ đọc hiểu nguồn thông tin khổng lồ này để đưa ra các tư vấn về giải pháp cho những tổ chức cá nhân có yêu cầu giải quyết một vấn đề cụ thể nào đó.
Đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, với sự phát triển của thị trường chứng khoán, các dữ liệu về tình hình tài chính các công ty, dữ liệu giao dịch chứng khoán… được cập nhật từng giây, từng phút, trực tiếp trên trang web hoặc tại các hệ thống máy chủ, khả năng quản lý, trích xuất dữ liệu, và đọc hiểu dữ liệu sẽ giúp nhà đầu tư dự báo chính xác tình hình tài chính và đưa ra những quyết định đầu tư đúng đắn và kịp thời.
Một mảng đang được quan tâm và chắc chắn sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới là quản lý rủi ro tài chính. Một trong các phương pháp tất yếu mà các tổ chức tài chính muốn kiểm soát rủi ro là mô phỏng ra các kịch bản xấu về tài chính có thể xảy ra trong tương lai để đưa ra những khoản tiền đề phòng tương ứng. Để có thể mô phỏng ra các kịch bản ấy cần có mô hình và phương pháp Toán học. Các nhà phân tích định lượng sẽ thực hiện các công việc tính toán và mô phỏng này.
Nếu bạn yêu thích công việc phân tích định lượng, bạn có thể xem xem mình có phù hợp với công việc này không, bằng cách kiểm tra một số yếu tố sau:
Bạn có khả năng về số học: Đây là yêu cầu đầu tiên và tất yếu vì bạn sẽ làm việc rất nhiều với các con số. Đi cùng với nó sẽ là các kiến thức và kỹ năng về Toán thống kê, kỹ năng tính toán và lập trình với các phần mềm thống kê chuyên dụng. Nếu ở trường phổ thông bạn cảm thấy thích và khả năng học Toán tốt, thì bạn đã phần nào phù hợp với công việc này rồi đó.
Bạn cẩn thận và tỉ mỉ trong công việc: Yêu thích Toán thôi chưa đủ, bạn cần cẩn thận và tỉ mỉ trong công việc, vì việc tính toán cũng như ra quyết định cần một sự chính xác cao, và cách nhìn nhận vấn đề cần nghiêm túc, tránh những quyết định thiếu chính xác gây tổn thất lớn.
Bạn có khả năng giao tiếp và trình bày vấn đề: Bạn cần có khả năng truyền đạt những kết quả làm việc của mình với những phòng ban, đối tác của lĩnh vực khác, những người không quen làm việc với những con số, nên kỹ năng này là quan trọng và cần thiết để công việc có thể tiến triển một cách thuận lợi.
Bạn không ngại chinh phục những khó khăn, thử thách mới: Kiến thức không ngừng vận động và biến đổi, nhất là trong lĩnh vực công nghệ. Đối với thông tin cũng vậy, bạn sẽ thấy các phương pháp phân tích là đa dạng và không ngừng phát triển, vì ẩn đằng sau nó là cả một nền tảng hệ thống kiến thức về Toán thống kê và Công nghệ thông tin. Do đó, bạn cần kiên nhẫn học hỏi và luôn sẵn sàng tự học những kiến thức mới.
Học ở đâu?
Các bạn trẻ yêu thích Toán học và Tài chính, muốn nắm bắt cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn với vị trí chuyên viên phân tích định lượng hoặc xử lý rủi ro tài chính có thể theo học chuyên ngành Hệ thống thông tin tài chính, thuộc ngành Toán ứng dụng của Trường ĐH Hoa Sen. Chương trình đào tạo chuyên ngành này xây dựng theo hướng kết hợp giữa Toán và Tài chính. Bên cạnh việc trang bị những kiến thức, kỹ năng, phương pháp vận hành trong lĩnh vực ứng dụng, cũng như các giải pháp hiện đại học tập từ các quốc gia tiên tiến trên thế giới, chương trình chú trọng cung cấp nền tảng Toán học hiện đại để giải quyết vấn đề trong lĩnh vực ứng dụng một cách tối ưu, hiệu quả, ví dụ như: thiết lập mô hình tài chính, tối ưu hóa danh mục đầu tư, quản lý định lượng rủi ro tài chính, phân tích chuỗi thời gian tài chính… Qua đó, sinh viên có khả năng xây dựng các mô hình mô phỏng danh mục đầu tư, đo lường rủi ro và dự đoán được lợi nhuận của danh mục.
Ngoài ra, sinh viên chuyên ngành Hệ thống thông tin tài chính được đào tạo tiếng Anh bài bản ở nhiều cấp độ, phát triển khả năng ngoại ngữ một cách vững chắc nhằm đón đầu xu thế hội nhập thị trường lao động ASEAN và thế giới. Hầu hết các môn chuyên ngành đều giảng dạy bằng tiếng Anh, đồng thời lồng ghép sử dụng các phần mềm xây dựng mô hình, mô phỏng thực tế. Hai kỳ thực tập toàn thời gian tại doanh nghiệp trong suốt 4 năm học cũng góp phần giúp các em trau dồi kinh nghiệm, điều chỉnh bản thân đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng.
Nguyên Minh