Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL), hoạt động này đã đạt được những kết quả tích cực. Đó là: giảm số lượng đơn vị SNCL góp phần tinh gọn đầu mối, giảm số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị SNCL và tăng số đơn vị SNCL tự bảo đảm chi thường xuyên...
Kết quả tổng điều tra kinh tế của Tổng cục Thống kê năm 2021, cho biết, với hoạt động của đơn vị SNCL năm 2020, ngành giáo dục và đào tạo có đóng góp giá trị tăng thêm lớn nhất trong tổng giá trị tăng thêm của các đơn vị SNCL, đạt 254.519 tỷ đồng, chiếm 53,5%; ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội có giá trị tăng thêm 154.514 tỷ đồng, chiếm 32,5%... Còn theo thống kê của Bộ Nội vụ, hết năm 2021, lần đầu tiên biên chế công chức giảm 10,01%; biên chế sự nghiệp giảm 11,67%. Số liệu từ Bộ Tài chính, cho biết, qua sắp xếp bộ máy và tinh giản biên chế giai đoạn 2017-2021 đã giảm chi ngân sách nhà nước được 25.000 tỷ đồng. Cả hệ thống chính trị đến hết năm 2021 đã giảm 262.000 biên chế, tương đương hơn 20% so với năm 2015. Lần đầu tiên bộ máy không bị phình ra sau khi thực hiện tinh giản.
Đến thời điểm năm 2021, cả nước có 52.500 đơn vị sự nghiệp, giảm 28,6% so với năm 2016; lao động sự nghiệp là gần 2,4 triệu người. Đây là lực lượng giữ vai trò chủ đạo, cung cấp hầu hết dịch vụ sự nghiệp công, liên quan đến người dân và toàn xã hội, như dịch vụ y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hóa, thể dục - thể thao…
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện chủ trương này cũng còn nhiều vướng mắc, hạn chế. Gánh nặng ngân sách cho khối đơn vị sự nghiệp công ngày càng tăng lên. Mục tiêu xã hội hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ công ở các đơn vị sự nghiệp công chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy đơn vị SNCL chưa gắn liền với đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ về tài chính, nguồn thu từ dịch vụ sự nghiệp ít, vẫn chủ yếu dựa vào ngân sách. Việc thu hút nhân tài vào làm việc trong đơn vị SNCL gặp khó khăn. Nhiều đơn vị SNCL chưa thể thích nghi ngay với cơ chế tự chủ…
Trong xu thế hội nhập, cạnh tranh, chuyển đổi số và những yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp, nhân dân thì yêu cầu đổi mới tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị SNCL được đặt ra cấp thiết. Trong đó, Nhà nước tập trung quản lý vĩ mô bằng chính sách, pháp luật, hạn chế can thiệp trực tiếp vào thị trường, đồng thời chuyển giao một số chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước cho chủ thể khác trong xã hội thực hiện cung cấp một số dịch vụ hành chính và sự nghiệp công. Tuy nhiên, với tư cách là chủ thể phải chịu trách nhiệm trước xã hội về cung cấp dịch vụ công, Nhà nước cần tiếp tục đổi mới và thực hiện các biện pháp quản lý nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của dịch vụ công, thỏa mãn tốt hơn nhu cầu của người dân và xã hội. Cùng với đó là nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong đổi mới các đơn vị SNCL nhằm sử dụng một cách có hiệu quả các nguồn lực; thực hiện cơ chế hợp tác công - tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học; quan tâm đến cơ chế chính sách về tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, cơ chế tài chính để đơn vị SNCL phát triển…