Năm 2024, tình hình địa chính trị trên thế giới diễn biến hết sức phức tạp; kinh tế có sự chuyển biến nhất định nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn. Đầu năm 2025, tình hình kinh tế thế giới dự kiến sẽ có nhiều biến động... Với độ mở của nền kinh tế, Việt Nam không tránh khỏi những tác động trực tiếp và gián tiếp trước việc các nước lớn có kế hoạch thay đổi chính sách.
Về cơ hội, dòng vốn đầu tư nước ngoài có thể chuyển dịch sang Việt Nam và thị trường xuất khẩu rộng mở hơn. Tuy nhiên, bối cảnh mới cũng đặt ra nhiều thách thức như tình hình lạm phát dai dẳng trên toàn cầu và biến động tài chính, làm tăng chi phí sản xuất và sụt giảm nhu cầu nhập khẩu của các thị trường.
Chia sẻ tại diễn đàn, PGS.TS Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, kinh tế nước ta năm 2024 diễn biến “khác thường” nhưng mang hướng tích cực. Quý 1 - 2024, khu vực kinh tế nội địa gặp nhiều khó khăn. Đến các quý sau, tình hình kinh tế khởi sắc hơn, điều này đến từ sự vực dậy của khu vực kinh tế ngoại, từ xuất khẩu đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
“Chi ngân sách vẫn ở mức cao. Chi thường xuyên của ngân sách, chủ yếu dành cho bộ máy hành chính, chiếm tới 70%. Trong khi đó, nguồn thu nội địa chỉ đạt 18,6%. Các điểm nghẽn thể chế cần giải quyết để tạo lòng tin cho doanh nghiệp”, PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Đồng tình, TS Trần Du Lịch – Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, với hơn 30 năm kinh nghiệm nghiên cứu thể chế, vấn đề lớn nhất hiện nay là những vướng mắc từ những quy định của nhà nước và thị trường. Nhà nước đưa ra quá nhiều quy định khiến thị trường không thể vận hành hiệu quả. Ngoài ra, có nhiều quy định phức tạp trong các mối quan hệ dân sự.
“Khi nước ta chuyển từ kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường, nhiều quy định được ban hành ra như tự trói mình, sau đó đi tháo gỡ từng phần. Nhà nước đã giao cho từng bộ, ngành với chức năng và nhiệm vụ cụ thể, việc cần làm là xem xét lại chức năng nào cần giữ, chức năng nào bỏ đi để cấu trúc lại. Tôi ủng hộ công cuộc tinh gọn bộ máy đang được thực hiện. Khi tinh gọn bộ máy, doanh nghiệp chỉ quan tâm đến việc rút ngắn được bao nhiêu thủ tục, tiết kiệm được bao nhiêu thời gian…”, TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Nhận định chung về kinh tế, TS Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia, năm nay kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực và khả năng đạt tăng trưởng 7%. Năm 2025, dự báo mức tăng trưởng từ 6,6% - 6,8% hoặc có thể đạt mức cao hơn từ 7% -7,5%.
Theo TS Cấn Văn Lực, qua khảo sát khoảng 600 doanh nghiệp tại TPHCM, TS. Cấn Văn Lực cũng đánh giá, đột phá về thể chế là câu chuyện rất được quan tâm. Cuộc “cách mạng” về tinh gọn bộ máy đang được Chính phủ triển khai cũng là bước đột phá quan trọng để phát triển kinh tế.