Khắc phục tình trạng cắt giảm biên chế một cách cơ học
Là người đầu tiên đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Nội vụ, ĐB Hà Sỹ Huân (Bắc Kạn) nhận xét, việc đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức vẫn chưa thực chất, thậm chí có hiện tượng nể nang, né tránh, “dĩ hòa vi quý”.
Khẳng định Đảng, Chính phủ hết sức quan tâm đến công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, thực chất công tác này trong những năm gần đây đã có kết quả tích cực hơn. Chẳng hạn, kết quả đánh giá CBCCVC năm 2021, toàn quốc có 22,89% hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; số không hoàn thành nhiệm vụ chiếm 1,73% (tỷ lệ tương ứng những năm trước là khoảng 30% và 0,65%). Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ thẳng thắn công nhận, việc đánh giá này vẫn còn chưa sát với thực tiễn; chưa căn cứ vào sản phẩm đầu ra, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trong thời gian tới, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo đồng bộ, liên thông, xuyên suốt; cần tập trung hoàn thành việc xác định vị trí việc làm, khung năng lực để có cơ sở đánh giá sát thực.
Trả lời ĐB Tao Văn Giót (Lai Châu) và một số ĐB khác về vấn đề tinh giản biên chế tác động như thế nào tới cải cách tiền lương, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc tinh giản tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp; giảm biên chế để cải cách hệ thống tổ chức bộ máy, cải cách đội ngũ công chức viên chức đã có tác động lớn về nhiều mặt. Nhờ đó, từ năm 2019 đến nay đã tiết kiệm được hơn 25.600 tỷ đồng, giúp tạo điều kiện nâng lương cho đội ngũ CBCCVC.
Nữ Bộ trưởng tán thành nhận định của ĐB Tao Văn Giót về việc vẫn có tình trạng cào bằng, giảm biên chế một cách cơ học ở một số nơi. “Trong giai đoạn vừa qua, chúng ta phải chấp nhận việc giao chỉ tiêu, cắt giảm biên chế 10%, vì nếu không giao chỉ tiêu cụ thể thì rất khó thực hiện. Tới đây sẽ từng bước điều chỉnh cho phù hợp, nhất là với các địa bàn quy mô dân số lớn”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, để khắc phục tận gốc tình trạng tinh giản cơ học, một trong những giải pháp quan trọng khác đang được Bộ Nội vụ triển khai là phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan chức năng hoàn thiện đề án xác định vị trí việc làm cũng như khung năng lực của vị trí việc làm, hướng tới triển khai đồng bộ, toàn diện đảm bảo quản lý biên chế theo vị trí việc làm.
“Sau khi có Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 62 xác định vị trí việc làm đối với công chức và Nghị định 106 xác định vị trí việc làm đối với viên chức. Đối với cơ quan, tổ chức hành chính đã xác định 866 vị trí, trong đơn vị sự nghiệp là 615 vị trí, ở cấp cơ sở (cấp xã) có 17 vị trí”, người đứng đầu ngành Nội vụ cho biết. Mặc dù vậy, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà thẳng thắn: “Bộ Nội vụ xin nhận khuyết điểm do quá trình triển khai chậm, chưa thống nhất, gây khó khăn cho bộ, ngành, địa phương trong thực hiện”.
Giải pháp nào cho tình trạng thiếu giáo viên?
Đây là trăn trở được ĐB Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) gửi đến Bộ trưởng Bộ Nội vụ. ĐB nhận xét, việc giao số lượng biên chế viên chức sự nghiệp của Bộ Nội vụ những năm qua đã làm cho nhiều địa phương không thể bố trí giáo viên theo đúng định mức, đúng vị trí việc làm, dẫn đến tình trạng nhiều điểm trường, điểm lớp ở vùng biên giới, biển đảo, vùng sâu, vùng xa thiếu giáo viên và bố trí giáo viên không đúng việc làm. “Bộ trưởng có trách nhiệm như thế nào và sẽ giải quyết thực trạng này ra sao?”, ĐB Nguyễn Thị Thu Nguyệt chất vấn.
Đáp lại, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà trần tình, trong việc giao biên chế viên chức hàng năm, Bộ Nội vụ không có thẩm quyền. Bộ chỉ đề xuất tham mưu cho Chính phủ bổ sung biên chế giáo viên để đáp ứng yêu cầu. “Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị sửa đổi cho phù hợp hơn về nội dung này, đề nghị giao biên chế trên cơ sở định mức”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cam kết, song cũng đề nghị các địa phương sắp xếp lại quy mô hệ thống trường lớp, giảm bớt các điểm trường lẻ để giảm đầu mối, nâng cao hiệu quả giảng dạy của giáo viên.
“Chia lửa” cùng Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, theo tổng hợp từ các địa phương, tổng số giáo viên thiếu tính đến năm 2026 là 107.000 người, chỉ tiêu được duyệt là hơn 65.000 người. Trong tình hình cả nước đang tiến hành tinh giản biên chế, thì đây là ưu ái lớn cho ngành GD-ĐT. Song do đặc thù địa bàn, ở một số địa phương có những lớp học chỉ có 5-7 học sinh hoặc ít hơn nhưng vẫn phải duy trì điểm trường, trên tinh thần “đâu có học trò, đó có giáo viên”.
Giải pháp, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, là rà soát, sắp xếp lại toàn bộ hệ thống cơ sở giáo dục. Lưu ý một số địa phương vẫn còn tồn một số chỉ tiêu cũ chưa tuyển dụng, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị khẩn trương sử dụng hết số chỉ tiêu này và tạm tuyển số giáo viên đạt được tiêu chuẩn cũ nhưng chưa đạt tiêu chuẩn mới, đồng thời có lộ trình bồi dưỡng, nâng chuẩn cho các giáo viên này để đạt được tiêu chuẩn mới vào năm 2030.
Bên cạnh đó, để giảm số lượng giáo viên nghỉ việc, chuyển việc - vấn đề đang rất nóng trong thời gian gần đây, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, đang tiến hành rà soát văn bản quy phạm pháp luật, chú trọng vấn đề tăng lương, tăng phụ cấp cho giáo viên mầm non, tiểu học; cải thiện môi trường làm việc, hỗ trợ chuyên môn...
ĐB Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) chất vấn về nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp chấm dứt tình trạng sai phạm trong tuyển dụng CBCCVC. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ Nội vụ đã rà soát 88.888 trường hợp tuyển dụng từ năm 2007 đến nay. Có 11.000 trường hợp có sai phạm, trong số này phải thu hồi 1.021 quyết định. Số còn lại đủ điều kiện để khắc phục sai phạm. |