Để cơ cấu lại bộ máy, nhân sự, nâng cao chất lượng hoạt động, thời gian qua, Bộ Tài chính đã sáp nhập, tinh giản nhân sự, chuẩn hóa cán bộ ở nhiều đơn vị. Chỉ tính riêng năm nay, ngành thuế đã lên kế hoạch cắt giảm gần một nửa số đơn vị để cơ cấu lại cho hợp lý, hiệu quả; ngành hải quan cũng sắp xếp, sáp nhập và đào thải những người không đạt tiêu chuẩn… Mục tiêu là chuẩn hóa tổ chức, con người trong thời đại công nghệ số.
Giảm hơn phân nửa số chi cục thuế
Những bất hợp lý trong cơ cấu tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ thời gian qua được nhắc đến liên tục. Điển hình như TPHCM thực hiện thu đến 30% số thu cả nước, nhưng nhân sự chỉ bằng khoảng 10%. Ở một số tỉnh thành, quận huyện dù không có việc làm nhưng theo cơ cấu vẫn đầy đủ “giàn giá” các phòng ban, chức danh; một số cục, vụ có đủ các chức danh lãnh đạo nhưng không có “lính” - không có người làm…
Do vậy, Bộ Tài chính đã quyết liệt tổ chức lại bộ máy, nhân sự. Tổng cục Thuế cho biết đang sắp xếp, sáp nhập các chi cục thuế quận, huyện, thị xã, thành phố thành chi cục thuế khu vực.
Cụ thể, từ ngày 1-7-2018, thực hiện sáp nhập 192 chi cục thuế thành 90 chi cục thuế khu vực, giảm 102 chi cục. Đến ngày 1-9-2018, tiếp tục sáp nhập 135 chi cục thuế thành 64 chi cục thuế khu vực, giảm 71 chi cục thuế. Như vậy, trong năm 2018, tất cả 327 chi cục thuế quận, huyện, thị xã, thành phố sẽ được gom lại thành 154 chi cục thuế khu vực (giảm 173 chi cục thuế).
Nhân viên Cục Thuế TPHCM hướng dẫn doanh nghiệp làm hồ sơ. Ảnh: THÀNH TRÍ
Vấn đề giảm đầu mối có làm giảm nhân sự, có nâng cấp được chất lượng hoạt động trong thời đại công nghệ số là câu hỏi được đặt ra. Do vậy, đảm bảo tính hiệu quả sau khi sáp nhập đã được ngành thuế nghiên cứu, xây dựng thành đề án, mục tiêu là sau khi sáp nhập thành chi cục thuế khu vực, cơ quan thuế phải hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn.
Ngoài ra, bên cạnh việc tổ chức lại bộ máy, ngành thuế thực hiện sắp xếp lại nguồn nhân lực để thực hiện tinh giản biên chế, giảm chi phí và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nộp thuế.
Về nhân sự, hoạt động sáp nhập các chi cục thuế giúp giảm về đầu mối tổ chức, số lượng lãnh đạo cấp trưởng (chi cục trưởng và đội trưởng). Sau đó, tiến đến bố trí, sắp xếp số lượng cấp phó để giảm theo quy định. Số công chức cũng sẽ có lộ trình xác định lại biên chế đảm bảo tinh giản, gọn nhẹ.
Hiệu quả đối với người nộp thuế là sau khi sáp nhập, người nộp thuế vẫn nộp thuế tại trụ sở cơ quan cũ, không làm tăng thủ tục hành chính về thuế của người nộp thuế, không làm tăng thời gian cũng như chi phí đi lại… của người nộp thuế.
Đồng thời, ngành thuế sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc khai thuế, nộp thuế điện tử, cắt giảm các thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế.
Sau khi đưa công nghệ thông tin vào, thực hiện xong điện tử hóa các thủ tục hành chính thuế, tiến tới ngành thuế sẽ sắp xếp lại trụ sở làm việc theo hướng thu gọn, nhằm tiết kiệm kinh phí, nhưng vẫn phục vụ người nộp thuế ngày càng tốt hơn.
Bộ Tài chính cắt giảm khoảng 2.800 đầu mối
Không chỉ ngành thuế, Bộ Tài chính cho biết từ năm 2013 đến hết năm 2017, Bộ Tài chính đã cắt giảm được khoảng 2.800 đầu mối các đơn vị từ cấp trung ương đến cấp tổ (đội) tại địa phương.
Trong đó, tập trung tinh gọn bộ máy thuộc Kho bạc Nhà nước trên cơ sở chuyển đổi mô hình tổ chức bộ máy kế toán nội bộ phân tán sang mô hình tổ chức bộ máy kế toán nội bộ tập trung, cải tiến quy trình nghiệp vụ nhằm thống nhất đầu mối kiểm soát chi của hệ thống Kho bạc Nhà nước.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế cũng đã cắt giảm khoảng 700 đầu mối cấp tổ, đội thuộc chi cục; Tổng cục Hải quan giảm được 13 đầu mối cấp phòng - vụ trực thuộc tổng cục, giảm 37 phòng cấp cục. 6 tháng đầu năm 2018, Bộ Tài chính tiếp tục cắt giảm 293 đầu mối, cấp tổ, chi cục và 44 chi cục ngành kho bạc và hải quan…
Công tác tinh giản biên chế là vấn đề khó khăn nhất cũng đã được Bộ Tài chính lên kế hoạch đến năm 2021 sẽ giảm 10% biên chế so với năm 2015. Từ năm 2015 đến nay, Bộ Tài chính đã cắt giảm theo chỉ tiêu biên chế được giao gần 3.500 biên chế (tương đương 4,7%) đối những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ hoặc hoàn thành nhưng còn hạn chế năng lực.
Trong năm 2018, Bộ Tài chính sẽ cắt giảm khoảng 600 trường hợp nữa. Công tác sắp xếp lại bộ máy được tập trung hơn trong thời gian tới theo hướng giảm các vụ, cục; tránh chồng chéo, trùng lặp về chức năng; đặc biệt giảm cấp trung gian, tăng cấp tác nghiệp trực tiếp.
Từ nay đến năm 2021, mỗi năm Bộ Tài chính sẽ cắt giảm tối thiểu 1,77% biên chế được giao để đảm bảo giảm tối thiểu 10% chỉ tiêu biên chế được giao so với năm 2015 theo đúng tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.