PHÓNG VIÊN: Theo ông, mục tiêu cuối cùng cần đạt được khi tinh gọn bộ máy là gì?
* Ông HOÀNG MINH HIẾU: Mục tiêu của việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy đã được xác định cụ thể tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Theo đó, mục tiêu tổng thể là nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chất lượng hoạt động của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội; phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Như thế, tinh giản biên chế phải gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi thường xuyên và góp phần cải cách chính sách tiền lương.
Liệu việc giảm số lượng cán bộ, công chức có dẫn đến tình trạng quá tải, chậm trễ trong việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân hay không?
* Công cuộc đổi mới nào cũng phải trải qua những giai đoạn khác nhau, việc tổ chức tinh gọn bộ máy cũng vậy. Tôi cho rằng, trong thời gian đầu, việc tổ chức sắp xếp lại bộ máy cũng sẽ phải đi cùng với việc xem xét, hoàn thiện trình tự, thủ tục triển khai thực hiện công việc và có thể dẫn đến những ảnh hưởng nhất định đối với hiệu quả làm việc. Tuy nhiên, mục tiêu chung của việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy là tăng cường hiệu lực, hiệu quả công vụ, phục vụ người dân tốt hơn. Số lượng cán bộ, công chức giảm nhưng đi kèm theo đó là việc tinh gọn các đơn vị, giảm tầng nấc trung gian, rút gọn các bước, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, qua đó sẽ góp phần tăng cường hiệu quả xử lý công việc, giúp cho việc xử lý, giải quyết thủ tục hành chính được thông suốt, hiệu quả hơn.
Những tiêu chí nào được sử dụng để đánh giá hiệu quả của việc tinh gọn bộ máy? Làm thế nào để đo lường được mức độ thành công của các cải cách này, theo ông?
* Đây thực sự là vấn đề rất quan trọng, vừa là thước đo, vừa là định hướng để thực hiện quá trình tinh gọn bộ máy. Theo đó, cần đặt ra những tiêu chí cụ thể để đánh giá về mức độ cắt giảm chi tiêu thường xuyên, số lượng biên chế được tinh giản, số lượng các đầu mối trung gian được cắt giảm. Đặc biệt, cần có những tiêu chí để đánh giá về việc rút gọn các quy trình, thủ tục làm việc, giảm thời gian giải quyết các công việc cho người dân.
Và cuối cùng, tiêu chí đánh giá quan trọng nhất, tổng thể nhất chính là tác động của việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy đến tốc độ và chất lượng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Những khó khăn và thách thức lớn nhất mà Chính phủ gặp phải trong quá trình tinh gọn bộ máy là gì? Chi phí cho công cuộc này hẳn là cũng không nhỏ, thưa ông?
* Bất kỳ công cuộc cải cách nào cũng đều gặp phải khó khăn, lớn nhất là sức ỳ, thói quen làm việc cũ. Với cách thức tổ chức bộ máy mới, nếu chúng ta vẫn giữ cách làm cũ, thói quen cũ sẽ không đáp ứng được các yêu cầu của cải cách. Do vậy, quá trình tinh gọn bộ máy cần được tiến hành một cách khoa học và có sự thống nhất cao.
Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhắm đến mục tiêu cắt giảm chi tiêu thường xuyên của bộ máy nên về cơ bản, tác động của quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy đối với chi phí triển khai thực hiện là theo hướng tích cực. Nếu thực hiện tốt, người dân cũng sẽ được thụ hưởng những thành quả của quá trình này, chẳng hạn như thủ tục giải quyết công việc được thông suốt hơn; Nhà nước có thêm nguồn ngân sách để đầu tư vào những công trình, dự án quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ đời sống của người dân được tốt hơn…
Vai trò của công nghệ thông tin trong việc hỗ trợ quá trình tinh gọn bộ máy như thế nào? Ông có gợi ý gì về những giải pháp công nghệ có thể được áp dụng để nâng cao hiệu quả làm việc của bộ máy nhà nước?
* Một trong những điểm thuận lợi trong quá trình triển khai sắp xếp lại, tinh gọn bộ máy lần này là chúng ta đã có những thành tựu nhất định trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc hỗ trợ công việc của bộ máy nhà nước như: hệ thống dịch vụ công trực tuyến, xây dựng và hoàn thành các cơ sở dữ liệu quốc gia, qua đó giúp nâng cao hiệu quả, giảm chi phí vận hành và tăng tính minh bạch.
Công nghệ thông tin sẽ giúp tự động hóa các nghiệp vụ lặp đi lặp lại, giảm bớt khối lượng công việc thủ công, từ đó giảm nhu cầu về nhân lực hành chính; tăng cường khả năng kết nối và phối hợp liên ngành, giúp loại bỏ tình trạng chồng chéo nhiệm vụ và cải thiện sự phối hợp trong giải quyết công việc; hỗ trợ triển khai các dịch vụ công trực tuyến, giảm thiểu sự tiếp xúc trực tiếp giữa người dân và cơ quan nhà nước…
Từ đó tăng tính tiện lợi và giảm chi phí hành chính. Bên cạnh đó, các hệ thống thông tin có khả năng lưu trữ và cung cấp dữ liệu minh bạch, giúp giám sát hiệu quả công việc của các cơ quan và cán bộ công chức, từ đó dễ dàng phát hiện các trường hợp sai phạm, trì trệ trong xử lý công việc.
Việc tinh gọn bộ máy tất yếu sẽ dẫn đến một số lượng cán bộ dôi dư. Những giải pháp nào có thể áp dụng để giảm thiểu tác động tiêu cực đến họ và gia đình, thưa ông?
* Pháp luật về cán bộ, công chức cũng đã có những quy định cụ thể về việc sắp xếp, tinh giản lao động dôi dư. Ví dụ như gần đây Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/2023/NĐ-CP ngày 3-6-2023 về tinh giản biên chế, trong đó có các chính sách đối với người thôi việc, người nghỉ hưu trước tuổi…
Trên cơ sở những quy định này, để đáp ứng yêu cầu của việc sắp xếp, tinh giản biên chế sắp tới, các chính sách đối với lao động dôi dư sẽ tiếp tục được hoàn thiện, bảo đảm theo đúng mục đích đã được quy định tại Nghị quyết 18 là “bố trí đủ nguồn lực và có cơ chế, chính sách phù hợp đối với những cán bộ, công chức, viên chức chịu tác động trực tiếp trong quá trình sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy”, “tạo sự thống nhất nhận thức và hành động trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội”.
Trong tương lai, làm thế nào để đảm bảo những thành quả đã đạt được sẽ được duy trì và phát triển?
* Để thực hiện mục tiêu phấn đấu đến giữa thế kỷ 21 nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tôi cho rằng việc đổi mới, hoàn thiện bộ máy nhà nước cần được tiến hành một cách thường xuyên, liên tục, đáp ứng yêu cầu của bối cảnh mới.
Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa, chuyển đổi số và những thay đổi trong quản trị công, đang có những xu thế cải cách và hoàn thiện bộ máy hành chính nổi bật như: tập trung chuyển đổi số để hiện đại hóa bộ máy hành chính, giảm thiểu thủ tục giấy tờ và tăng cường hiệu quả quản lý; áp dụng các hình thức quản trị công mới, tập trung áp dụng các phương thức quản lý của khu vực tư nhân vào khu vực công như đánh giá hiệu quả hoạt động dựa trên kết quả thay vì quá trình, đồng thời, áp dụng các mô hình quản lý rủi ro để giảm thiểu sai sót trong vận hành; tăng cường tính minh bạch trong hoạt động để xây dựng niềm tin của người dân; khuyến khích sự tham gia của người dân, doanh nghiệp trong quá trình hoạch định chính sách. Cùng với đó là đào tạo và nâng cao kỹ năng cho cán bộ công chức, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ và quản trị hiện đại.