Nghĩa lớn hơn tình
Cách đây hơn 10 năm, cô bạn chung lớp đại học về nhà tôi - một vùng quê trung du nghèo - cứ thắc mắc mãi. Chuyện là, sáng nào bố mẹ tôi cũng dậy rất sớm khi trời còn chìm trong màn sương, cùng nhau nhóm bếp lửa và trò chuyện. Bố tôi lúc nào cũng chuẩn bị sẵn những chiếc phích nước Rạng Đông, đôi khi đã hoen gỉ, rót đầy nước, phần để dùng pha trà, phần để dùng làm sinh hoạt. Ấm trà đặc của bố pha với nước mưa hứng từ mái ngói rêu phong trong xanh, nghi ngút khói. Cô bạn tôi tò mò uống thử, thấy chát trong cổ họng nhưng dần dần cảm nhận vị ngọt hậu.
Bên bếp than bập bùng, mẹ lùi vài củ khoai nướng hay rang chảo cơm cho bữa sáng. Bạn tôi, vốn sinh ra ở phố nên mùi khói bếp và khung cảnh ấy có phần xa lạ. Phần tôi, hình ảnh ấy đã in hằn từ bé nên thành ra mọi thứ bình thường. Nhưng, khi nghe bạn nói, tôi cũng chợt nghĩ, những điều ngỡ như bình thường ấy nay trở thành những ký ức khi chúng tôi rời quê hương, tha phương lập nghiệp nơi phố thị xô bồ.
Bố mẹ tôi sắp tròn 50 năm sống với nhau. Những lần “bát xô đũa lệch” không ít nhưng cả hai luôn xác định “một điều nhịn là chín điều lành”. Những người trẻ như tôi đôi khi nghĩ - đó là sự chịu đựng của những người thuộc thế hệ cũ. Nhưng mẹ tôi vẫn nói, sống từng ấy năm với nhau, ngoài cái tình, cái nghĩa còn lớn hơn. Tôi luôn nhớ hình ảnh, trong chiếc tủ chè của bố, ngoài rất nhiều tài liệu, giấy tờ luôn có một ngăn để các loại thuốc cho mẹ, từ thuốc uống, thuốc tiêm. Những khi trái nắng trở trời, bố tôi - vốn biết cơ bản về nghề y, luôn tự mua thuốc theo đơn bác sĩ về lo cho mẹ. Mẹ tôi hay bệnh, thôi thì thầy nào mách ở đâu có thuốc tốt, hai ông bà đều tự chở nhau đi, từ thời đạp xe đến nay hiện đại hơn là có xe máy. Khi mẹ bệnh, bố tôi dù vụng về chuyện cơm nước nhưng đều tự mình nấu nướng, rửa chén kiêm giặt đồ.
Mấy chục năm đã qua, khi nắng, khi mưa, khi nóng như đổ lửa hay rét buốt, đều như thế. Bố tôi, vốn là người “sợ” chuyện thuốc thang, nhưng lần bị trào ngược dạ dày, con cái có thuyết phục đến mấy cũng nhất quyết từ chối đi viện. Ấy vậy mà, ông lại chịu để bà đưa đi thầy đông y bốc thuốc, về sắc uống. Mà nhất thiết phải là ông chở bà đi khám rồi lấy thuốc cùng. Mấy chị gái tôi thường nói, chỉ có bố mới chiều được mẹ (và ngược lại) như thế. Chiều là cách nói của lớp trẻ chúng tôi, còn với bố mẹ tôi đó là nhường, là nhịn.
Con chăm cha không bằng bà chăm ông
Bố mẹ bạn tôi ở phố thị, công chức nhà nước đã về hưu. Ông gần 90 tuổi, còn bà, cũng chỉ kém vài tuổi. Sống riêng với nhau, cái tình già lại thể hiện theo cách khác.
Cách đây vài năm, khi đôi chân vẫn còn nhanh nhẹn, mắt vẫn tinh anh, thỉnh thoảng ông bà còn tự lái ô tô từ nhà vườn quận 9 lên phố thăm con. Ông bà còn mày mò tìm kiếm, tham gia một câu lạc bộ khiêu vũ cho người già. Bà - xưa vốn thích các hoạt động phong trào, từng tham gia các cuộc thi phụ nữ thanh lịch ở cơ quan và có giải hẳn hoi. Ông - xưa cũng nức tiếng đạo mạo, chỉn chu; mỗi khi bước ra đường luôn quần tây, áo sơ mi, tóc vuốt ngược bóng láng. Ông đưa bà đi khiêu vũ, ngày nào đôi chân khỏe, hai ông bà nhảy với nhau. Những khi nhức mỏi, ông ngồi nhìn bà nhảy với các bạn già khác, nhưng lúc nào cũng phải đi cùng nhau. Bà chạy chiếc xe Dream cũ chở ông hay cả hai tự bắt xe buýt. Con cái thấy vậy, ai cũng nể phục dù nhiều lo lắng.
Ông trở bệnh nặng, đôi khi nhớ nhớ quên quên, đôi chân như muốn “đình công”, nhưng bà nhất thiết nhắc ông phải tập thể dục cho giãn gân cốt. Ông lên phố, ở nhà con gái cho tiện đường đi bệnh viện. Bà trở đi trở lại hai đầu thành phố lo việc nhà. Ấy vậy nhưng, khi bóng bà đã thoắt đi, câu đầu tiên ông luôn hỏi: “Mẹ mày đâu?”. Có những khi ông hờn dỗi, nhất quyết không chịu ăn uống gì mà đòi về thăm bà cho bằng được. “Cho ba về thăm mẹ mày một lát rồi ba lại lên”, “Cho ba về nhà, ba không ở đây nữa đâu”… Thậm chí, ông còn luôn lo lắng bà bỏ ông ở lại nhà con cái một mình.
Đôi khi ở cùng, bà cũng bực dọc chuyện ông không kiểm soát việc đi vệ sinh, lại chỉ thích nằm mà không chịu vận động. Những lúc bà trách móc, ông chỉ cười như một cách làm hòa. Nhưng nếu có xa nhau vài ngày, gặp lại, ánh mắt ông ánh lên niềm hạnh phúc như thể đôi lứa cách xa dằng dặc. Cái tình già ấy cũng hóm hỉnh và vẫn nồng nàn lắm. Dù có lên ở cùng con cái thì cũng chỉ dăm bữa nửa tháng, ông bà lại nhất quyết khăn gói về nhà mình. Phần vì sợ phiền hà con cái và quan trọng hơn là nhà chỉ có hai ông bà, vắng ai cũng thấy cô quạnh và “thiếu hơi”.
Sống mấy mươi năm với nhau, tính ai thế nào đối phương đều đã tỏ tường. Nhưng sống đến già, vẫn cứ tình cảm như thế, thực là biết bao trân quý.