
Sự kiện Cục xuất bản vừa ra quyết định cấm tái bản cuốn Online-Ba lô của nhà văn Nguyễn Đình Chính đã làm nóng lại một đề tài tưởng chừng như đã cũ: Tình dục trong văn chương!.
Miêu tả tình dục-Từ xưa…

Trong công văn của Cục xuất bản về việc biên tập cuốn Online-Ba lô có đoạn viết: “Đây là cuốn tiểu thuyết kể về chuyến du ngoạn, gặp gỡ và những suy nghĩ, cảm xúc, triết lý của nhân vật Zê, trước một số vấn đề của cuộc sống. Cách viết tùy tiện, đặc biệt nội dung tác phẩm có một số đoạn miêu tả tình dục khá chi tiết và thô tục, gây phản cảm…”. Như vậy, cuốn sách này bị cấm tái bản, nối bản vì đã miêu tả tình dục “chi tiết” và “thô tục”.
Đó cũng là vấn đề của rất nhiều tác phẩm có nội dung liên quan đến tình dục được xuất bản gần đây. Bản thân đề tài tình dục không mới đối với văn học thế giới, từ thế kỷ 18 tại châu Âu đã sản sinh ra hàng loạt tác phẩm văn, thơ miêu tả về tình dục. Tại châu Á, hay nói gần hơn là ở Trung Quốc, một đất nước có nền văn học ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam, đề tài tình dục đã được nhắc đến từ rất lâu qua những tác phẩm như Tố Nữ Kinh, Hồng Lâu Mộng, Kim Bình Mai…
Tại Việt Nam, đề tài tình dục trong văn học luôn bị xếp vào dạng “cấm kỵ”. Thi thoảng có nhà văn thể hiện nó thì cũng tìm cách nói tránh đi, lợi dụng sự đa nghĩa của câu văn mà hướng bạn đọc đến thâm ý của mình. Tiêu biểu nhất có thể nhắc đến nhà thơ nữ Hồ Xuân Hương mà bài thơ tiêu biểu Đánh Đu của bà có nhiều câu rất “nhạy cảm”: “Trai du gối hạc khom khom cật/Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng… Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới/Hai hàng chân ngọc duỗi song song…”.
...đến nay
Đến thời hiện đại, khi miêu tả về tình dục, các nhà văn cũng tìm tòi rất nhiều câu văn ý nhị để miêu tả chuyện phòng the. Các thuật từ như “mây mưa”, “gió bão”, “tra gươm vào vỏ”, “đột kích công sự”… được dùng để miêu tả cái chuyện mà ai cũng biết là gì đó. Thế nhưng, đó là chuyện của thế kỷ 20, sang thế kỷ 21 việc miêu tả tình dục trong văn học Việt Nam đã có sự “nhảy vọt” cả về “chất” và “lượng”.
Nhiều tác phẩm, nhất là của giới trẻ thường có chút tình dục, đến nỗi cứ nghe nói đến sách của nhà văn trẻ là nhiều bạn đọc lại có tâm lý chờ đợi xem tác phẩm này miêu tả tình dục thế nào. Việc miêu tả tình dục cũng không còn giới hạn ở những ngôn từ tế nhị, bóng gió mà trở nên cụ thể, rõ ràng đến mức sống sượng.
Tình dục trong văn chương: Dễ mà khó
Nhà văn Mỹ nổi tiếng Jessica Barksdale Inclán trong bài viết Nghệ thuật tả cảnh sex trong văn chương đã đưa ra một ví dụ minh họa: Trong một tác phẩm văn học, để miêu tả sự nồng nhiệt của một đôi trai gái, tác giả đã cho họ làm “chuyện đó” trên lưng ngựa. Độc giả khi đọc đến đoạn này thay vì chiêm nghiệm sự nồng nhiệt của ái tình thì lại quay sang tưởng tượng xem hai nhân vật làm thế nào thực hiện chuyện đó trên lưng ngựa! Sự tưởng tượng trần trụi đó đã giết chết mọi ý tưởng mà tác giả muốn thể hiện.
Một tác phẩm văn học khác của châu Âu đã miêu tả một tình huống đặc thù. Nhân vật nữ là một nhà quý tộc đã có chồng, rất yêu chồng nhưng lại ngoại tình với một người hầu. Với người tình, bà không hề có tình yêu, nhưng lại cực kỳ hòa hợp trong tình dục còn với người chồng lại rất hòa hợp trong cuộc sống trừ tình dục. Tác phẩm có rất nhiều trường đoạn miêu tả chi tiết, cụ thể cảnh ái ân giữa nữ quý tộc và người tình nhưng cảnh ái ân càng dữ dội càng khiến người đọc thấy được sự mâu thuẫn giằng xé giữa tình yêu và tình dục ngày càng tăng của nhân vật chính, hai khái niệm đáng lẽ song hành lại trở thành tách biệt và biến thành bi kịch của cuộc sống.
Theo nhà văn Jessica Barksdale Inclán, đó chính là vấn đề của việc miêu tả tình dục trong văn chương. Không phải miêu tả như thế nào là nhiều, như thế nào là ít mà vấn đề cái tình dục đó đóng góp gì cho việc thể hiện tư tưởng của tác phẩm.
Tại Việt Nam, trào lưu sáng tác có cảnh miêu tả tình dục được xem là bắt nguồn từ các tác phẩm trào lưu lenglei của Trung Quốc hay các tác phẩm nổi tiếng của Nhật mà tiêu biểu là Rừng Na Uy của nhà văn Nhật Murakami Haruki. Tuy nhiên, sự bắt chước này dễ sa vào kệch cỡm bởi một nguyên nhân rất đơn giản: Với lenglei, đó là sự nổi loạn hay đúng hơn khẳng định mình ở thế hệ trẻ Trung Quốc trong giai đoạn phát triển quá nhanh của xã hội, còn ở văn học Nhật thì lại là sự buông thả trong một xã hội mất niềm tin. Cả hai dạng tâm lý này đều không phải là điển hình của giới trẻ trong nước nên cũng không cần đến lối thoát bằng tình dục.
Làm thế nào để tránh được sự thô tục hay phản cảm trong việc miêu tả tình dục trong văn chương, Murakami Haruki đã cho rằng bản thân tình dục không cao sang cũng chẳng thô tục, vấn đề là đặt nó ở đâu. Trong phòng riêng thì nó là bình thường như nếu “vác” ra đường thì nó trở thành thô tục. Cũng như vậy, nếu miêu tả chi tiết để đáp ứng tư tưởng của tác phẩm thì hay nhưng nếu miêu tả chi tiết mà chẳng để làm gì thì sẽ thành “sống sượng”, “khiêu dâm”. Và nó đòi hỏi trình độ tay nghề của nhà văn. Nếu không đủ khả năng nhưng vẫn cố đưa vào tác phẩm thì sẽ gây phản cảm và bị lên án.
Tân Tường
(SGGP-12G)