Tỉnh Đồng Nai: Đón dòng vốn đầu tư trong nước

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cửa ngõ kết nối vùng Đông Nam bộ với Nam Trung bộ và Tây Nguyên, lại tiếp giáp TPHCM, Đồng Nai có khoảng 54.000 doanh nghiệp cùng 1.100 dự án có vốn đầu tư trong nước.

Để thu hút dòng vốn đầu tư trong nước, Đồng Nai đang tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư tham gia vào các dự án có hàm lượng công nghệ cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Vốn đầu tư trong nước tăng mạnh

Đồng Nai hiện có 33 khu công nghiệp (KCN) được thành lập với tổng diện tích đất 10.514,69ha, trong đó 31 KCN đang hoạt động, 1 KCN Công nghệ cao Long Thành trong giai đoạn thu hồi đất và đầu tư xây dựng hạ tầng; 1 KCN Long Đức 3 được thành lập trong tháng 7-2023 theo Quyết định 842/QĐ-TTg ngày 14-7-2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng Nai có dự án sân bay Long Thành đang được triển khai xây dựng, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động vào cuối năm 2026. Mới đây, tháng 7-2024, cầu Bạch Đằng 2 kết nối huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai) với TP Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) hợp long, tạo ra các trục kết nối thuận tiện cho hàng hóa, phương tiện lưu thông giữa các tỉnh Đông Nam bộ.

N5B.jpg
Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đang mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án du lịch

Trong năm 2024, Ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai cũng đề ra chỉ tiêu thu hút vốn đầu tư trong nước đạt 2.000 tỷ đồng, trong đó thu hút đầu tư mới 1.500 tỷ đồng và đang ưu tiên thu hút các dự án có vốn đầu tư lớn, sử dụng công nghệ tiên tiến, lao động có tay nghề, hạn chế những dự án quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, gây ảnh hưởng đến môi trường theo đúng định hướng thu hút đầu tư của tỉnh.

Số liệu của Sở KH-ĐT tỉnh Đồng Nai cho thấy, từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh cấp giấy chứng nhận, chủ trương đầu tư trong nước và điều chỉnh tăng vốn khoảng 42.114,7 tỷ đồng, gấp gần 5 lần so với cùng kỳ 2023.

Tỉnh cấp mới 7 dự án; 2 dự án được cấp quyết định chấp thuận nhà đầu tư thông qua đấu thầu với tổng vốn đăng ký là 35.175,75 tỷ đồng (tăng hơn 5,9 lần so cùng kỳ); 15 dự án tăng vốn với số vốn đăng ký bổ sung là 6.938,92 tỷ đồng (gấp hơn 2,7 lần so cùng kỳ).

Trong đó đáng chú ý, Đồng Nai có dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN Hố Nai giai đoạn II do Công ty CP KCN Hố Nai làm chủ đầu tư với vốn đăng ký tăng thêm 871,8 tỷ đồng, nâng tổng vốn đầu tư lên 1.805 tỷ đồng, góp phần phát triển cơ sở hạ tầng ở khu vực TP Biên Hòa, huyện Trảng Bom, tạo sức bật lớn trong thu hút dòng vốn đầu tư trong nước vào Đồng Nai.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư

Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, Đồng Nai là địa phương có nhiều KCN của cả nước, thu hút khoảng 1,3 triệu lao động đến làm việc, trong đó có khoảng 400.000 người có nhu cầu về nhà ở.

Do đó, tỉnh đang mời gọi doanh nghiệp đầu tư 4 dự án là Khu nhà ở xã hội ChC1 và ChC2 thuộc khu tái định cư quốc lộ 1A (phường Phước Tân, TP Biên Hòa) với quy mô hơn 1,6ha, gồm 2 tòa chung cư cao 12 tầng, 500 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 2.000 người; khu chung cư nhà ở xã hội rộng 2,1ha (xã Phước An, huyện Nhơn Trạch) đáp ứng nhu cầu cho 2.800 người với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng; và huyện Trảng Bom đang tìm nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội quy mô khoảng 3,5ha với số vốn hơn 700 tỷ đồng.

Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt Dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí ở ven hồ Trị An giai đoạn 2021-2030 (do Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai thực hiện) với hơn 4.600ha, quy hoạch 37 tuyến du lịch, 22 khu với 50 điểm làm du lịch cộng đồng, dịch vụ vui chơi, giải trí, cắm trại.

Sau thời gian mời gọi đầu tư, đến nay có 12 doanh nghiệp có hồ sơ hợp lệ mong muốn đầu tư, phát triển du lịch tại vùng lòng hồ Trị An, như: Công ty CP Đầu tư thương mại giáo dục Việt An, Công ty Đầu tư Việt Nam, Công ty CP Đầu tư nghỉ dưỡng 36, Công ty Bảo tồn và phát triển di sản Thuận Thiên...

Ông Nguyễn Hoàng Hảo, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, cho biết, Ban Chỉ đạo đề án vừa kiến nghị Ban Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai chấp thuận ký hợp đồng với các đơn vị tư vấn để hỗ trợ thực hiện công tác hồ sơ kỹ thuật mở, xét hồ sơ của các tổ chức, cá nhân đăng ký thuê môi trường rừng.

Từ đó, đơn vị báo cáo UBND tỉnh Đồng Nai những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện dự án, điều chỉnh quy mô, diện tích thực hiện các công trình theo quy định để có giải pháp phù hợp.

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, tỉnh đang tích cực mời gọi các nhà đầu tư tham gia vào các dự án thuộc lĩnh vực mới là chuỗi đô thị - dịch vụ - du lịch ven sông, đổi mới sáng tạo, công nghiệp chế tạo máy và cơ khí chính xác, sản xuất phương tiện vận tải.

Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo sở, ngành, địa phương nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp để đón dòng vốn đầu tư chất lượng cao vào Đồng Nai.

Tin cùng chuyên mục