Tình đất, tình người trên quê hương 18 thôn Vườn trầu

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hóc Môn giàu truyền thống cách mạng, các thế hệ con cháu được hun đúc lòng yêu quê hương, đất nước và mang trong mình trách nhiệm cao cả để gìn giữ, phát huy những giá trị quý báu của quê hương…

Những ngày đất nước hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 79 năm Ngày quân và dân Nam bộ đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại xâm lược lần thứ hai (ngày Nam bộ kháng chiến 23-9-1945 - 23-9-2024), chúng tôi tìm về huyện Hóc Môn (TPHCM) - vùng đất có nhiều sự kiện, câu chuyện thể hiện ý chí sắt son, tinh thần quật khởi và lòng yêu nước của nhân dân Nam bộ.

W3b.jpg
Người dân thắp hương tại Di tích lịch sử Quốc gia Ngã Ba Giồng vào ngày 28-8-2024. Ảnh: THU HOÀI

Lịch sử không bao giờ quên, vào đêm 22 rạng sáng 23-11-1940, tại Ngã Ba Giồng (xã Xuân Thới Thượng) đã chứng kiến người dân Hóc Môn - 18 thôn Vườn trầu và Chợ Lớn, Gia Định, Sài Gòn vùng dậy trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ. Mặc dù cuộc khởi nghĩa bị thất bại, nhưng tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của các chiến sĩ đã góp phần hun đúc lòng yêu nước nồng nàn, ý chí kiên cường dũng cảm để dân tộc làm nên thắng lợi lịch sử Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Cũng tại Ngã Ba Giồng, thực dân Pháp đã dựng trường bắn, xử kín các đồng chí: Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương; Phan Đăng Lưu, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương...

Để chăm sóc, bảo tồn Di tích lịch sử Quốc gia Ngã Ba Giồng có ý nghĩa lịch sử đặc biệt quan trọng này, UBND huyện Hóc Môn đã thành lập Ban quản lý Khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng. Di tích thường xuyên tiếp các đoàn trong và ngoài huyện, đặc biệt là học sinh, sinh viên các trường đến tìm hiểu về truyền thống lịch sử của quê hương.

Cuối tháng 8 vừa qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hóc Môn tất bật chuẩn bị chu đáo cho lễ tưởng niệm và lễ giỗ 83 năm ngày hy sinh của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng và đồng bào, chiến sĩ hy sinh trên mảnh đất này (28-8-1941 - 28-8-2024). Trong lễ giỗ, ông Hà Huy Thanh (quê tỉnh Hà Tĩnh), cháu nội cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập, xúc động chia sẻ: “Mỗi lần chúng tôi về quê hương cách mạng Hóc Môn là một lần tình thương luôn rực rỡ”.

Những ngày diễn ra lễ giỗ, từ 5 giờ sáng, lực lượng Đoàn TNCS HCM huyện Hóc Môn đã cùng các tổ chức chính trị - xã hội huyện có mặt tại Khu di tích Ngã Ba Giồng để làm công tác chuẩn bị và tiếp đón đại biểu. Tất bật đôn đốc đoàn viên, thanh niên xã chuẩn bị bàn ghế, loa máy, anh Nguyễn Tuấn Liêm, Bí thư Đoàn xã Xuân Thới Thượng, chia sẻ, năm nay, Đoàn xã huy động 10 bạn đoàn viên có lý lịch tốt, tinh thần trách nhiệm cao đến làm công tác chuẩn bị.

Sinh ra trong gia đình có ông ngoại là liệt sĩ, anh Liêm từ nhỏ đã được nghe kể về lòng yêu nước của ông ngoại và người bà tảo tần nuôi các con khôn lớn. “Tôi vô cùng tự hào vì được sinh ra trên quê hương Hóc Môn, vùng đất anh hùng, đặc biệt xã Xuân Thới Thượng còn có Di tích Ngã Ba Giồng. Từ nhỏ, chúng tôi thường xuyên được thầy cô giáo, các anh chị Đoàn thanh niên dẫn đi tham quan và nghe kể về các khu di tích lịch sử của huyện nhà. Sự trân trọng và tình yêu thương với mảnh đất mình đang sống đã được bồi đắp từ nhỏ trong mỗi chúng tôi”, anh Liêm chia sẻ.

Vì lẽ đó, khi làm công tác Đoàn, anh Liêm luôn chú trọng tổ chức, phát động các chi đoàn trực thuộc đến dâng hương, dâng hoa và tổ chức những buổi sinh hoạt chính trị, sinh hoạt chủ điểm tại các địa chỉ đỏ trên địa bàn huyện nhân các ngày kỷ niệm. Với mong muốn lấy tình yêu quê hương, đất nước làm động lực để xây dựng huyện nhà ngày càng phát triển, Đoàn xã Xuân Thới Thượng cũng phối hợp CLB Truyền thống kháng chiến, Hội Cựu chiến binh xã tổ chức các buổi tọa đàm, tuyên truyền lịch sử cho các chi đoàn trực thuộc.

Tin cùng chuyên mục