Kiểu gì cũng “soi”
Không phải chạy tới chạy lui giữa hai phòng kế hoạch và thị trường, dù khoảng cách không là bao, nhưng cô bạn tôi hớn hở thấy rõ khi công ty vừa hoàn thành văn phòng làm việc mới, theo hướng không gian mở. Bàn làm việc của nhân viên được tập trung thành một khu vực, tiện cho các bộ phận liên quan trao đổi, hỗ trợ nhau. Vui chưa được mấy ngày, bạn tôi bắt đầu than thở: “Hồi trước, ước ngồi chung để hợp đồng có liên quan đỡ phải đi tới đi lui, giờ chỉ mong phòng ai nấy làm”.
Nhìn sang trái, ngó sang phải cũng bị để ý, bàn làm việc chưa kịp dọn là có người chỉ trỏ; trao đổi nhiều với một người nào đó, tự khắc bị gán ghép thành một đôi. Chuyện là dự án cuối năm của bạn tôi phải làm cùng một anh ở bộ phận thị trường, nhiều vấn đề phải trao đổi và lên kế hoạch cùng nhau, bạn tôi và anh đồng nghiệp liên tục bị ghép đôi. Lần 1, lần 2, cũng chỉ là chuyện đùa, mọi người đều mỉm cười cho qua, đến khi kiểu đùa truyền miệng này quá nhiều, đến tai người yêu của anh đồng nghiệp, khiến bạn tôi vô cùng khó chịu, dù bản thân không hề có lỗi. “Bạn gái anh này cũng cá tính mạnh lắm, nghe tin đồn liền nhắn tin gặp tôi để nói rõ, tôi phải dắt người yêu đi cùng thì chị ấy mới yên tâm. Cũng chỉ vì mấy lời đồn công sở mà mệt ghê, cuối năm bao nhiêu việc, lại còn phải…”, bạn tôi thở dài kể lại.
“Tin đồn” công sở cũng là điều dễ hiểu và cũng không phải là câu chuyện của riêng gì bạn tôi mà gần như bất kỳ ai cũng có thể đụng phải. Mỗi ngày 8 tiếng, ra vào chạm mặt đồng nghiệp đôi khi còn nhiều hơn với người thân ở nhà, không khéo léo, tinh tế rất dễ vướng “tin đồn”, nhất là cánh nhân viên mới vào làm, chưa quen “quy tắc ngầm” của mỗi phòng làm việc. Trúc Anh (27 tuổi, nhân viên kinh doanh, ngụ quận 4, TPHCM) kể lại: “Hồi mới vào công ty làm, tôi cũng bị đồn là cặp bồ với anh trưởng phòng vì lúc mới vào, tôi chưa hiểu hồ sơ làm việc trước, giờ ăn trưa tranh thủ hỏi thêm anh để nắm rõ, vậy là bị đồn. Sau này, thấy bạn trai đưa đón tôi, rồi trưởng phòng cũng phát thiệp cưới, mọi người mới thôi xì xào”.
Ngại gì gièm pha
“Con thầy, vợ bạn, gái cơ quan”… dường như là một quy tắc ngầm cần tránh trong việc tìm một nửa của cánh mày râu, bởi thế mà không ít người không mấy mặn mà với chuyện tình công sở. Tuy nhiên, lứa thế hệ 9X như chúng tôi ngày càng phá bỏ những giới hạn và thoáng hơn trong suy nghĩ về những quan niệm đã cũ.
Vài năm sau khi tốt nghiệp đại học, trong một lần họp lớp, trước câu hỏi của nhóm bạn, sao chưa có người yêu, bạn tôi (một luật sư tư vấn luật hành chính) bày tỏ: “Chắc tui chỉ hợp với tình công sở thôi, chứ không có nhiều mối quan hệ hay kết nối bên ngoài. Mà khổ nỗi chỗ tui làm hiện tại nam nhiều hơn nữ”. Nghe anh bạn thổ lộ, cả đám chỉ biết nhìn nhau cười, nhưng ngẫm lại cũng không sai. Trong chuyện tình cảm, kinh nghiệm chung mà nhiều người chia sẻ là “nhất cự ly, nhì tốc độ”. Đặc biệt, là nam giới muốn chủ động, muốn “tấn công” thì tình công sở là mục tiêu hoàn hảo, bởi làm việc cùng một công ty, văn phòng cả 8 tiếng mỗi ngày thì có hàng tá cơ hội để tiếp cận đối phương, thuận tiện quá còn gì. Nhưng nếu lỡ không may chuyện chẳng thành thì sao, anh bạn tôi khoát tay, nói tiếp: “Yêu văn minh, chia tay lịch sự, không thành một đôi thì vẫn là đồng nghiệp, quan trọng là ở cách chúng ta cư xử với nhau thôi!”. Tình công sở có thể là con đường nhanh và ngắn để chinh phục đối phương, còn chuyện thành đôi được không có lẽ tùy duyên mỗi người. Và khi đã thành đôi, chuyện tình công sở cũng lắm éo le, thử thách người trong cuộc phải biết cách dung hòa.
Hai vợ chồng thành đôi sau khi vào công ty 2 năm, lúc đó anh là phó phòng kế hoạch, chị là nhân viên mới của phòng kinh doanh. Sau 3 năm nỗ lực, chị nhanh chóng được đề bạt vị trí trưởng phòng, còn anh phải đảm nhận vị trí quản lý chi nhánh của công ty thêm 1 năm thử thách, sau đó mới được đề bạt. Không để chồng khó xử và phải mang tiếng vượt mặt chồng từ những “bà tám công sở”, chị Yến Dung (43 tuổi, ngụ quận 5) kể: “Lúc đó, tôi cũng tìm cách nói chuyện để sếp hiểu, tôi giữ chức phó phòng và kiêm nhiệm luôn công việc của trưởng phòng vừa xin nghỉ, đợi một năm sau, công ty sắp xếp lại nhân sự tất cả các phòng và chi nhánh thì mới tính tiếp. Mặc dù không nói ra, nhưng tôi cũng không muốn chồng mình phải nghĩ ngợi nhiều, nhất là công ty đông người hay bàn ra tán vào, rất dễ làm người ta bị dao động, nên mình khéo khéo một chút để hai vợ chồng không khó xử khi làm cùng công ty”.
Tình công sở dễ hay khó, hay hoặc dở nằm ở cách chúng ta ứng xử với nhau. Môi trường làm việc thân thiện, dễ chịu hay là nơi tập trung của những tin đồn, từ chuyện vui thành bất hòa cũng là lựa chọn của mỗi người khi đến công sở. Còn mình, nếu thật sự yêu thì ngại gì tình công sở!