Tính chuyện đường dài cho hoạt động thương mại điện tử

Tính đến hết năm 2023, lĩnh vực thương mại điện tử đã đóng góp khoảng 15 - 17% tổng giá trị của kinh tế số quốc gia. VIệt Nam thuộc quốc gia phát triển nhanh nhất của Đông Á, nằm trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Tọa đàm trực tuyến “Phát triển thương mại điện tử - Cơ hội, động lực và thách thức”
Tọa đàm trực tuyến “Phát triển thương mại điện tử - Cơ hội, động lực và thách thức”

Ngày 14-8, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Phát triển thương mại điện tử - Cơ hội, động lực và thách thức” trong bối cảnh chuyển đổi kinh tế số.

Phát biểu tại tọa đàm, PGS-TS Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ TT-TT), cho rằng: Hiện Việt Nam có trên 14 triệu cửa hàng và 9.000 chợ, song xu hướng thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt sau giai đoạn dịch Covid-19. Từ tốc độ tăng trưởng của hoạt động thương mại điện tử, mục tiêu doanh thu thương mại điện tử chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025 có thể đạt được.

Chuyên gia kinh tế TS Võ Trí Thành nhìn nhận, thương mại điện tử đã được đề cập từ lâu nhưng kinh tế số của Việt Nam chỉ mới phát triển trong khoảng 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, chưa bao giờ hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ số, thương mại điện tử lại len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, từ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng như hiện nay.

"Dân số trẻ, tiêu dùng mạnh mẽ, thích giao dịch online gắn với gen Z, thương mại điện tử tạo ra sự phát triển đồng đều hơn, giảm bớt khoảng cách về thu nhập. Đồng thời, thương mại điện tử phát triển ở khu vực nông thôn cũng rất mạnh mẽ, gần tiệm cận với thành thị", ông Thành chỉ rõ.

Song chuyên gia này cũng thẳng thắn nhận định, xuất khẩu hàng hóa dịch vụ của Việt Nam nói chung, kể cả thương mại điện tử, vẫn chịu sự chi phối của thương hiệu và kênh phân phối nước ngoài. Doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng được thương hiệu Việt Nam, có được những cái nền tảng kết nối với Amazon, với những nền tảng lớn hơn...

Theo chuyên gia Võ Trí Thành, cần phải hóa giải các thách thức, điểm nghẽn nhằm khơi thông dòng chảy cho hoạt động thương mại điện tử cũng như hàng hoá. Một trong những giải pháp chính là phải có các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho lĩnh vực này hoạt động. Trong đó, cần thiết phải tập trung xây dựng, ban hành các cơ chế xử lý tranh chấp, khuyến khích sáng tạo, mô hình kinh doanh mới...

Chung nhận định về tiềm năng, dư địa phát triển thương mại điện tử còn rộng lớn, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) chỉ rõ, để tối ưu hóa tiềm năng thương mại điện tử của Việt Nam là bài toán đường dài.

Tới đây, để tạo đột phá cho thương mại điện tử, một trong những vấn đề quan trọng là cần gắn những định hướng phát triển chuỗi cung ứng trong thương mại điện tử với những quy hoạch phát triển vùng, hệ thống phân phối, dịch vụ logictics... Mắt xích quan trọng nhất là thúc đẩy liên kết giữa các địa phương trong những vùng kinh tế trọng điểm, để xác định được những địa phương nào có những ưu thế về hàng hóa, logictics.

Theo bà Lại Việt Anh, định hướng kế hoạch phát triển thương mại điện tử trong 5 năm tới mà Bộ Công thương đang tham mưu trình Chính phủ là hướng tới xuất khẩu để đưa sản phẩm "Made in Vietnam" ra thị trường quốc tế; trong đó xây dựng những giải pháp thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới và xuất khẩu nói chung. Ngoài ra, thực hiện các chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những rào cản kỹ thuật của thị trường.

Tin cùng chuyên mục