Tin vào “người đương thời”

Tìm về ký ức và tín ngưỡng dân gian như một cách tạo ra xu hướng mới trong sáng tạo nghệ thuật đương đại của mình, nhóm bạn trẻ CAB Hoian (không gian kết nối nghệ thuật đương đại tại Hội An), Tản Mạn Kiến Trúc (chia sẻ kiến thức về di sản kiến trúc và đô thị) và Artcific (nền tảng kết nối nghệ sĩ với cộng đồng) bắt đầu dự án lưu trữ ký ức tập thể - Hunting Treasure. 

Giai đoạn một của dự án tập trung vào việc chụp ảnh đường phố với tên gọi “Săn bóng”, người tham gia săn tìm và ghi lại các vật thể sẽ giữ lại hoặc bỏ đi trong thời gian dọn dẹp, trang hoàng, sắm sửa tết. 

Quan sát, ghi chép và tương tác các vật thể được giữ lại hoặc bị vứt đi trong thời gian dọn dẹp, trang hoàng, sắm sửa tết tại khu vực Lăng Ông Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, TPHCM), Nguyễn Phan Huy Hoàng (25 tuổi, nghệ sĩ thị giác) kể: “Trước giờ, tôi không quan tâm nhiều đến chuyện tín ngưỡng hay thờ cúng, chỉ thấy cuối năm nhà nào cũng dọn dẹp bàn thờ tổ tiên và bàn thờ Ông Địa, Thần Tài. Nhiều gia đình cũng thay mới các tượng thờ cúng, và khi bỏ đi, họ không bỏ ở thùng rác mà gửi ở chùa, hay lăng miếu… Quan sát mọi người dọn dẹp rồi xin chụp hình, tôi phát hiện ra nhiều nét thờ cúng rất hay mà trước giờ mình cứ vô tình bỏ qua”.

Thất Phủ Miếu Vĩnh Long – Chia sẻ bởi Tản Mạn Kiến Trúc
Sau buổi “đi săn” để tìm về những tín ngưỡng, tập tục thờ cúng trong dân gian, nhóm bạn trẻ bắt đầu bàn tròn thảo luận và chia sẻ kiến thức cùng nhau vào tháng 3 tới. Trương Trần Trung Hiếu (thành viên Tản Mạn Kiến Trúc) chia sẻ: “Dự án nhằm tạo ra kho lưu trữ ký ức tập thể, bằng cách xóa nhòa ranh giới giữa người thực hành nghệ thuật và công chúng, thông qua các hình thức thực hành khác nhau từ digital art, internet art, nhiếp ảnh, văn học, trình diễn… Mỗi nơi sẽ có những cách thức thờ cúng, tín ngưỡng dân gian khác nhau, mỗi người tham gia dự án sẽ tìm cho mình một góc nhìn và một hình thức thực hành nghệ thuật phù hợp. Đây cũng là điều mà cả nhóm mong đợi, đưa tín ngưỡng dân gian đi vào dòng chảy nghệ thuật đương đại, có thể phù hợp hoặc chưa nhưng trước mắt nó phải được nhắc nhớ trong người trẻ”.


Chuyện sáng tạo trẻ biến tấu nghệ thuật truyền thống hay tín ngưỡng dân gian vào nghệ thuật đương đại vẫn còn nhiều tranh cãi, khi nghệ sĩ trẻ được đào tạo bài bản hiện nay vẫn chưa nhiều. Trong khi chuyện hài hòa hay làm mới nghệ thuật truyền thống, tín ngưỡng dân gian vào những sáng tác đương đại đòi hỏi người thực hành sáng tạo phải có kiến thức bài bản, sau đó là nâng cao, chứ không thể chỉ một vài khái niệm là xong. Có thể hay hoặc chưa, có thể phù hợp hoặc không theo góc nhìn của số đông, nhưng khi người trẻ tìm về tín ngưỡng dân gian và đưa vào sáng tạo nghệ thuật đương đại của mình, hãy cứ để họ thực nhiên, bởi họ chính là người đương thời.

Tin cùng chuyên mục