Tập trung vào giáo dục và môi trường
Tổ chức 4 khóa học tiếng Anh online và 2 buổi hội thảo đã đem lại cơ hội cho các bạn trẻ khiếm thị; ngoài ra, hơn 200 đầu sách được bán để gây quỹ cho các hoạt động lớp học và tại Trung tâm Phát triển giáo dục Bình An (đường Phạm Thế Hiển, quận 8, TPHCM), cứ thế Nhật Linh cùng nhóm bạn đều đặn lên lớp dạy tiếng Anh, kỹ năng mềm trong cuộc sống và hỗ trợ thêm các thiết bị học tập cho 128 bạn nhỏ ở đây. Những phần việc không quá lớn và quá nhiều, nhưng với một dự án giáo dục chỉ hơn 1 năm hoạt động, là một nỗ lực đáng ghi nhận.
Tháng 5-2020, dịch Covid-19 bùng phát trong cộng đồng, Dự án giáo dục Hoa Thủy Tiên - Daffodils Education Project được thành lập với hy vọng lan tỏa năng lượng trẻ và tích cực đến xã hội, tiếp thêm năng lượng để mọi người vượt qua giai đoạn khó khăn.
Phạm Lê Nhật Linh (sáng lập Dự án giáo dục Hoa Thủy Tiên) tâm sự: “Có rất nhiều cách để chia sẻ với cộng đồng, có thể là chia sẻ về mặt hiện kim, vật chất hay tinh thần. Là những người trẻ, chưa có quá nhiều điều kiện về vật chất, ngược lại chúng tôi rất may mắn được tiếp nhận một nền giáo dục đầy đủ và toàn vẹn. Tôi nghĩ đến việc thành lập một dự án giáo dục dành cho những em nhỏ hoặc bạn trẻ gặp khó khăn khác. Tôi tin giáo dục là chiếc chìa khóa giúp các bạn trẻ mở ra một tương lai tươi sáng hơn, vượt qua được những số phận, hoàn cảnh ban đầu của mình”.
Nguồn kinh phí để duy trì hoạt động chủ yếu do nhà hảo tâm đóng góp, do bán sách và toàn bộ sức trẻ tình nguyện của các thành viên cùng tham gia, xây dựng Hoa Thủy Tiên.
“Tôi tin rằng người trẻ luôn tràn đầy năng lượng, hoài bão, và cũng là nhóm đối tượng có tiềm năng phát triển kỹ năng lãnh đạo, có ý thức xã hội cao. Tuy nhiên, ngày nay nhiều bạn trẻ bị cuốn vào vòng xoáy công việc, bỏ quên những kỹ năng, giá trị khác trong cuộc sống, do đó Dự án giáo dục Hoa Thủy Tiên mong muốn là một môi trường để các bạn trẻ được sử dụng nguồn năng lượng, sức sáng tạo của mình, đóng góp vào giải quyết các vấn đề xã hội”, Nhật Linh bày tỏ.
Trên chặng đường lập nghiệp, bên cạnh giáo dục, các vấn đề về môi trường cũng là điều thế hệ Gen Z quan tâm. Là thành viên thuộc Volunteer For Education (mạng lưới tình nguyện viên giáo dục quốc tế), Trương Nguyễn Luân (22 tuổi, sinh viên Đại học Kinh tế TPHCM) kiêm sáng lập Dự án “Xuôi ngược Mekong”.
Dự án thuộc khuôn khổ Dự án “Dòng sông của sự sống - Rivers of Life”, được hỗ trợ chuyên môn và tài trợ kinh phí bởi Hội đồng Anh (British Council), đồng thực hiện bởi Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp và Hội đồng Anh tại Việt Nam, được Hội đồng Anh tổ chức để hướng tới Hội nghị lần thứ 26 về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc (COP26) sẽ diễn ra tại Glasgow, Vương quốc Anh từ ngày 1 đến 12-11-2021.
Tất bật với những chương trình khuyến khích các bạn trẻ sống ở ĐBSCL quan tâm hơn đến ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, từ đó thúc đẩy người trẻ hành động vì dòng sông, vì môi trường và vì khí hậu nhiều hơn (bởi đây là khu vực chịu ảnh hưởng xấu của biến đổi khí hậu hàng đầu ở Việt Nam cũng như trên thế giới), Luân bày tỏ: “Tôi tin rằng xây dựng phải đi liền với bảo vệ cái đã có. Thế giới mà chúng ta đang sống đầy biến động. Và trong tất cả các vấn đề đe dọa sự phát triển bền vững của Việt Nam, tôi nghĩ biến đổi khí hậu là vấn đề lớn nhất, khó khăn nhất và cần nhiều nguồn lực nhất, nên tôi chọn hành động vì khí hậu là cách để bản thân cống hiến nhiệt huyết tuổi trẻ cho sự phát triển bền vững của Việt Nam”.
Tổ quốc nhìn từ xa
Học tập và làm việc ở TP Osaka (Nhật Bản) hơn 3 năm, kết nối với cộng đồng người Việt Nam và du học sinh Việt Nam khá nhiều, chị Thảo Nguyên (27 tuổi, du học sinh Việt Nam tại TP Osaka, Nhật Bản), chia sẻ: “Từ lúc mới qua đây đến giờ, năm nào cũng vậy, chúng tôi nhắc nhau về ngày lễ Quốc khánh của đất nước, do không phải là kỳ nghỉ lễ dài ở Nhật Bản nên cả nhóm không thể tổ chức nhiều hoạt động cùng nhau. Vào các dịp lễ tết, hay có những kỳ nghỉ dài, mọi người tập hợp lại cùng nhau nấu ăn, làm bánh chưng bánh tét, tổ chức tiệc tất niên để mọi người có nơi sum họp đón Tết cổ truyền Việt Nam và không quên đi những truyền thống tốt đẹp của ông bà”.
“Nói đến môi trường quốc tế, thì tiếp thu cái mới là tất yếu để hội nhập văn hóa. Nhưng trên hết, mình phải giữ được nét văn hóa bản sắc của dân tộc mình. Nhân các dịp lễ đặc biệt của trường, tôi và các bạn sẽ mặc áo dài truyền thống. Chúng tôi cũng nấu các món ăn Việt Nam, đón Tết cổ truyền cùng nhau trong cộng đồng những người Việt xa xứ. Nhân những dịp đó, mình cũng giới thiệu được nét văn hóa của Việt Nam đến bạn bè quốc tế”, chị Thảo Nguyên bày tỏ thêm.
Định cư tại Sydney (Australia), với giấc mơ quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới, chị Ngọc Linh (thành viên sáng lập nhóm Vietnam Centre) chia sẻ: “Tôi thấy ở các sự kiện của Vietnam Centre, cộng đồng người Việt ở Australia và người bản xứ rất thích thú và ngạc nhiên khi được chiêm ngưỡng những nét văn hóa Việt Nam. Trước đây, họ có thể đã tiếp xúc với những yếu tố Việt Nam như áo dài, nón lá, bánh mì, phở…, tuy nhiên, nhiều khía cạnh như áo giao lĩnh, tục nhuộm răng đen, pháp lam… thì lần đầu tiên họ mới được biết. Những câu chuyện về ý nghĩa, lịch sử của các phong tục đó cũng thu hút và giữ chân người xem. Nhiều người trong số họ từng chỉ biết tới Việt Nam qua các cuộc chiến tranh, giờ đây họ được biết rằng, đất nước chúng ta còn có một lịch sử và một nền văn hóa cực kỳ giàu có, phong phú”.
Trong môi trường quốc tế đó, tiếp cận gần với các nền văn hóa đa chiều khác nhau, thế hệ trẻ không chỉ tự hào hai tiếng Việt Nam, mà còn tự tin để đón nhận những làn sóng hội nhập văn hóa.
“Vì là thế hệ trẻ, nên tôi nghĩ chúng tôi rất rộng mở chào đón các nền văn hóa mới. Tôi nhận thấy mình và các bạn thường có xu hướng phản ứng theo các bước: Chào đón - quan sát - so sánh - chắt lọc, sau khi tiếp xúc với một nền văn hóa mới, hay đơn giản hơn là gặp và dành thời gian với một người bạn nước ngoài. Và các trình tự này cũng tự động trở thành một thói quen đối với chúng tôi, do mọi người đa số sống ở TPHCM hoặc Hà Nội, nên đã quá quen với sự hội nhập. Vì vậy, tới giờ này chúng tôi cảm thấy bản thân vẫn giữ được mình. Đơn giản là dù sinh sống ở nước ngoài thì khi tụ họp lại, chúng tôi vẫn dùng ngôn ngữ mẹ đẻ, hay là trong bữa ăn thường ngày vẫn ăn cơm, xôi nếp hay ăn các món quen thuộc như thịt kho trứng, bánh chưng…”, Phương Chân (du học sinh Việt Nam tại Ba Lan) bày tỏ.
Những chặng đường tuổi trẻ của thế hệ cha ông là tháng năm đã đi vào sử sách, còn chặng đường của lớp trẻ hôm nay là những giấc mơ được viết lên từ một cuộc sống thanh bình, độc lập…, những giấc mơ dài mang văn hóa Việt Nam ra thế giới, hay nỗ lực để trở thành một công dân Việt Nam toàn cầu, tự hào với bạn bè thế giới rằng chúng tôi đến từ Việt Nam.
Trong niềm tự hào hướng về Tổ quốc từ xa, chị Ngọc Linh chia sẻ thêm: “Ngày 2-9-1945 là ngày mở ra một kỷ nguyên mà chúng ta được tự do, tự quyết vận mệnh của đất nước. Để có được sự tự do, tự quyết cho mỗi cá nhân, mỗi gia đình đã rất gian nan; nhưng cho cả một dân tộc, cho muôn vàn thế hệ về sau thì là một kỳ công không thể tưởng tượng nổi. Ngày nay, khi sống ở nước ngoài, khi các con tôi sinh ra và học tập ở đây, chứ không phải ở Việt Nam, tôi vẫn thấy sự thôi thúc phải làm sao cho các cháu biết tới kỳ công vĩ đại đó”. |