Nam Sudan là nơi Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 Việt Nam tham gia phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc đang làm nhiệm vụ. Trong những năm tháng thanh xuân tươi đẹp gọi là tuổi trẻ, các chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam đã chọn cách sống dấn thân, tạm rời xa gia đình, xa những tiện nghi để có mặt ở vùng đất đang cần sự chung tay của họ, để mầm xanh được vươn lên, để nhọc nhằn lùi lại phía sau… bằng một tinh thần Việt Nam kiên cường.
Đi xa để thêm yêu quê nhà
Những cuộc kết nối thật muộn, vì trong ngày, anh cùng đồng đội phải làm nhiệm vụ, có những tin nhắn đến tận sáng hôm sau chúng tôi mới đọc được vì anh gửi quá khuya. Khi hỏi về cuộc sống của người dân ở Nam Sudan, anh khẽ nói với chúng tôi: “Cuộc sống bên này không thể diễn tả hết bằng lời đâu cô gái ạ”.
Khó khăn và thiếu thốn chưa đủ để diễn tả hết cuộc mưu sinh của người dân nơi này. Vùng đất Nam Sudan, nơi mà khí hậu rất biết thử thách sức chịu đựng của con người, một năm mùa mưa thường kéo dài từ giữa tháng 5 đến cuối tháng 9, còn lại là mùa khô. 95% là đường đất nên mưa xuống là đường sá lầy lội, nắng thì bụi bay mịt mù. Cao điểm mùa khô nhiệt độ có thể vượt 500C, ban đêm nhiệt độ có khi lại xuống 18-200C…
“Lý do gì để anh tình nguyện trở lại nơi này sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ ở Bệnh viện dã chiến 2.1 trước đó?”. Trung úy quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Nguyễn Văn Tám (Bệnh viện dã chiến cấp 2.3) nói: “Ở ngưỡng cửa 30 tuổi, bạn đã đủ chín chắn để đưa ra những quyết định mang tính cống hiến lớn hơn là lợi ích cá nhân. Tuổi này, tôi không cho phép mình bằng lòng với cuộc sống hiện tại, không riêng gì Nam Sudan, rất nhiều nơi trên thế giới không hề bằng phẳng. Mỗi một lần đi, tôi cảm thấy như mình được trưởng thành hơn rất nhiều. Nếu có cơ hội, hy vọng các bạn trẻ hãy đến đây một lần để cảm nhận, lấy động lực để yêu Tổ quốc của chúng ta hơn. Phải thực sự trải qua và cảm nhận, mới trân trọng được giá trị của cuộc sống mà Việt Nam mình đang có”.
Trung úy Nguyễn Văn Tám phụ trách tổ lái xe, từ xe cấp cứu, xe chỉ huy, xe thiết giáp đến xe nâng hạ hàng hóa… Sau những giờ làm nhiệm vụ, anh cùng đồng đội cải tạo đất và ươm những mầm xanh nơi nắng thì cằn cỗi, mưa thì thối đất. Tìm đến nhà dân để mua phân bò về cải tạo đất, anh Tám hóm hỉnh: “Đúng là chỉ có bộ đội Việt Nam mới đi mua phân bò ở đây. Nhiều người dân họ ngơ ngác rồi hỏi lại, không hiểu vì sao nhân viên của Liên hiệp quốc đi mua phân bò làm gì?”. Sau những nỗ lực, “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, vườn rau tăng gia sản xuất cứ xanh mơn mởn vươn mình. “Mùa này, bên mình trồng được nhiều rau lắm. Các đơn vị bạn qua thăm đều khen”, anh Tám kể.
Công việc một ngày dù ít dù nhiều, lớn hay nhỏ luôn được anh trân trọng từng chút một, bởi đó không chỉ là nhiệm vụ phải hoàn thành mà còn là niềm tự hào hai tiếng Việt Nam. Trung úy Nguyễn Văn Tám chia sẻ: “Bên này nói thật là công việc không nhiều lắm đâu, nhưng việc nào ra việc đó, phải làm thật chuẩn vì còn bạn bè quốc tế nhìn nhận đánh giá. Nên việc dù là nhỏ nhưng chất lượng công việc phải thật tốt để giữ hình ảnh của đất nước, để gây dựng và tuyên truyền hình ảnh của bộ đội Việt Nam ra bạn bè thế giới”.
Một nụ cười Việt Nam
Công việc của kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh, cụ thể là kỹ thuật viên X-quang, đa phần do nam giới đảm nhận, nhưng ở Bệnh viện dã chiến cấp 2.3, một nữ thiếu úy QNCN 9X vẫn hoàn thành thật tốt. Khối lượng công việc không quá nhiều, nhưng là kỹ thuật viên duy nhất ở bệnh viện, cô gái trẻ gần như lúc nào cũng sẵn sàng tinh thần cao nhất, thường trực 24/24 giờ, liên lạc qua bộ đàm và khi cần là có mặt ngay bất kể ngày đêm.
Khi lên đường nhận nhiệm vụ, ở sân bay Tân Sơn Nhất, ống kính truyền thông ghi lại nụ cười rạng rỡ của một nữ thiếu úy 9X… Tinh thần nhiệt huyết, tươi trẻ đó được Lê Na mang sang đất nước châu Phi xa xôi này. “Sinh sống, làm việc từ nơi xa Tổ quốc nhưng tôi và đồng đội luôn nhớ, gìn giữ và cố gắng giới thiệu với bạn bè quốc tế về văn hóa đất nước mình. Từ chiếc áo dài đến nón lá, nón quai thao, khăn rằn, áo bà ba, bộ trống… đều để lại ấn tượng đẹp với bạn bè nơi đây. Trong mâm cơm hàng ngày, các anh chị em luôn nấu luân phiên các món ăn đặc trưng của Việt Nam như gỏi, chả giò, bánh bột lọc, thịt kho trứng, khổ qua nhồi thịt, xôi, chè... Trong các chuyến thăm hay các buổi giao lưu, các món ăn Việt Nam đều được bạn bè quốc tế yêu thích và đón nhận nhiệt tình”, Thiếu úy Lê Na kể.
“Chúng tôi và mọi người đều biết có nhiều người lính, các y, bác sĩ, các tình nguyện viên tuổi đời còn rất trẻ là lực lượng nòng cốt ở tuyến đầu trong công tác phòng chống dịch Covid-19 ở nước ta suốt thời gian qua. Bệnh viện dã chiến 2.3 cũng đa phần là lực lượng trẻ, cũng xung phong tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc dù biết sẽ khó khăn, vất vả. Đến đây, tôi mới thấy rõ được giá trị của hòa bình. Đất nước bạn còn bất ổn chính trị, người dân nghèo đói, nhà ở đơn sơ, cuộc sống thiếu thốn, có nơi không có đủ điện nước, hầu hết trẻ em không được đến trường, nhất là trẻ em nữ. Tất nhiên, khi cái ăn cái mặc vẫn còn chưa đủ thì ý thức bảo vệ sức khỏe và phòng dịch cũng là điều xa xỉ. Hy vọng Bệnh viện dã chiến 2.3 có thể góp được một phần nhỏ cho nơi này”, Lê Na bày tỏ.
Nếu trước đây, nhắc đến Việt Nam, nhiều người sẽ nghĩ đến một đất nước đang chịu ảnh hưởng của chiến tranh, nhưng nay đã khác. Trên những tuyến đầu, có chiến sĩ mũ nồi xanh đang làm nhiệm vụ quốc tế, chung tay gìn giữ hòa bình… Giọng Lê Na tự hào: “Bây giờ, họ biết đến Việt Nam không chỉ là đất nước đang phát triển, yên bình, có nhiều danh lam thắng cảnh và đang chuyển mình từng ngày mà còn luôn trách nhiệm, chung tay tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình cùng các nước bạn để giúp đỡ những quốc gia còn khó khăn như Nam Sudan. Bệnh viện dã chiến Việt Nam của mình cũng được các cơ quan ở Liên hiệp quốc đánh giá cao không chỉ về trình độ ngoại ngữ, chuyên môn mà còn về mọi mặt”.
Những sớm mai, dưới bóng mát của giàn mướp trong khuôn viên Bệnh viện dã chiến 2.3, các chiến sĩ trẻ cùng uống trà, cà phê, trò chuyện để vơi nỗi nhớ nhà… và nhắc nhau về một ngày lễ lớn sắp tới của đất nước - Ngày Độc lập. “Nhóm sáng tạo đang chuẩn bị một công trình mới, hy vọng mọi thứ hoàn thành trước ngày 2-9”, Trung úy QNCN Nguyễn Tiến Phúc chia sẻ và gửi cho chúng tôi tấm hình mọi người đang chuẩn bị các phần việc. Chúng tôi thấy thấp thoáng bức tranh cổ động với những nét vẽ lá quốc kỳ cờ đỏ sao vàng sắp hoàn thành.
Và đâu đó giữa những tất bật, dù không phải chuyên môn của mình, nhưng anh Phúc cùng đồng đội vẫn chăm chút, tỉ mỉ từng nét vẽ hoa sen ở cổng chính của Bệnh viện dã chiến 2.3, một cánh sen hồng rực sắc giữa trời Bentiu (Nam Sudan).
Gác lại những niềm vui riêng của một tổ ấm nhỏ, Trung úy Nguyễn Văn Tám tình nguyện lên đường làm nhiệm vụ. Vợ sinh con gái đầu lòng, anh vẫn xa nhà… Anh Tám trải lòng: “Mỗi khi nhớ nhà, nhớ gia đình nhỏ, nhớ hậu phương, nhớ người dân trong khu phố, nhớ phố phường nhộn nhịp đông đúc thì tôi lại nhìn xa xăm. Nhìn xa xa trong tầm mắt hướng về khu người dân nơi đây đang sống, một cuộc sống bộn bề khó khăn, cơm không đủ no, áo không đủ ấm, cơ sở điện, đường, trường, trạm hoang tàn. Thế mới thấy người thân của chúng ta đang có cuộc sống tốt hơn rất nhiều so với người dân nơi đây. Đó chính là động lực để tôi cố gắng, phấn đấu hơn nữa cho một tương lai không xa, các em nhỏ nơi đây cũng được đến trường, được bảo vệ, được phát triển toàn diện như bao đứa trẻ khác trên thế giới, để người dân nơi đây đủ lương thực cho cuộc sống hàng ngày, có điện, có nước sạch sinh hoạt…”. |