Muôn kiểu làm phiền
Theo một số người dân tại TPHCM, đa số các cuộc gọi tiếp thị, tin nhắn quảng cáo đến từ các nhà mạng hoặc từ một số ngân hàng mời chào vay tiền, mua sắm trả góp. Ngoài ra, một lượng lớn người sử dụng điện thoại hệ điều hành iOS cũng thường xuyên nhận được các tin nhắn rác từ iMessage, nội dung tin nhắn không dừng lại ở việc quảng cáo mà có dấu hiệu lừa đảo, giới thiệu công việc đa cấp.
Theo tìm hiểu, đa phần các tin nhắn có nội dung khá giống nhau, đánh vào tâm lý mong muốn tìm việc làm của người dân sau dịch Covid-19. Các đối tượng thường giới thiệu việc làm tại nhà, lương cao và thường mạo danh các công ty nước ngoài.
Chị Vũ Thị Hải (ngụ quận 3, TPHCM) cho biết, ngoài các tin nhắn quảng cáo, mời gọi đăng ký dịch vụ, ứng tiền nhanh từ nhà mạng thì hầu như tuần nào chị cũng nhận được 2-3 tin nhắn mời gọi làm việc với mức lương cao. Có công việc chỉ cần làm việc ở nhà nhưng mức lương từ 10-50 triệu đồng/tháng. “Tôi liên hệ theo số điện thoại thì được giới thiệu làm cộng tác viên cho một thương hiệu mỹ phẩm, khác hoàn toàn với quảng cáo. Mức hoa hồng khi bán được sản phẩm lên tới 40%, và bắt buộc phải đặt cọc trước hơn 50 triệu đồng để nhận sản phẩm về bán. Nghi ngờ đây là hình thức lừa đảo, kinh doanh đa cấp biến tướng nên tôi chặn số ngay”, chị Hải kể.
Anh Nguyễn Thành Tân (một nhân viên bảo vệ tại quận 11, TPHCM) lại cảm thấy khá phiền toái khi tuần nào cũng nhận ít nhất 4-5 cuộc gọi mời chào vay tiền từ một số ngân hàng tại TPHCM. “Khoảng 2 năm trước tôi có vay trả góp tại một ngân hàng ở TPHCM và để lại thông tin cá nhân. Sau khi tôi trả xong khoản vay, có ít nhất 3 ngân hàng liên lục gọi điện mời chào vay tiền trả góp. Các cuộc gọi đến cả ngày lẫn đêm, làm ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống của tôi”, anh Tân nói.
Rơi vào hoàn cảnh tương tự, anh Dương Thành Tài (ngụ quận Bình Tân, TPHCM) cũng thường xuyên nhận được các tin nhắn quảng cáo bởi các nhà mạng, cuộc gọi tiếp thị từ các ngân hàng, công ty chứng khoán suốt gần một năm nay khiến anh cảm thấy bực dọc, khó chịu. Theo hướng dẫn từ nhà mạng, anh Tài đã gửi tin nhắn phản ánh và đăng ký không nhận quảng cáo tới tổng đài 5656, dạo gần đây tình trạng tin nhắn rác đã không còn. Tuy nhiên, các cuộc gọi tiếp thị quảng cáo vẫn còn tiếp tục “tra tấn” anh, trung bình 3-4 lần/tuần.
Quyết liệt ngăn chặn
Bộ TT-TT ban hành Thông tư 22/2021/TT-BTTTT quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 91/2020/NĐ-CP của Chính phủ về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-3-2022. Thông tư này cũng hướng dẫn người sử dụng phản ánh, cung cấp các bằng chứng tin nhắn rác.
Mới đây, Bộ TT-TT cũng ra quyết định kiểm tra hoạt động quản lý thông tin thuê bao, xử lý SIM có thông tin thuê bao không đúng quy định, SIM sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật của các nhà mạng. Đoàn kiểm tra liên ngành sẽ tiến hành kiểm tra các nhà mạng Viettel, VNPT, MobiFone, Vietnamobile, Gtel, MobiCast, Đông Dương Telecom, thời gian kiểm tra trong vòng 30 ngày. Theo Thứ trưởng Bộ TT-TT Phạm Đức Long, thời gian qua, các doanh nghiệp viễn thông đã rất cố gắng để làm tốt công tác rà soát chuẩn hóa thông tin thuê bao. Số lượng thuê bao kích hoạt sẵn đã giảm mạnh, song, vẫn còn việc thực hiện sai quy định về quản lý thuê bao trả trước. Sở dĩ Bộ TT-TT phải quyết liệt kiểm tra như vậy bởi đây không chỉ là vấn đề mua bán SIM rác gây hệ lụy tin nhắn rác, cuộc gọi rác, mà gần đây các đối tượng đã sử dụng SIM rác để lừa đảo. Bộ TT-TT cũng yêu cầu các nhà mạng phải xóa toàn bộ SIM rác, dồn sức toàn ngành để thực hiện nhiệm vụ này.
Đại diện MobiFone cho hay, thời gian qua, nhà mạng này đã áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn thuê bao kích hoạt và đăng ký thông tin không chính xác, sai lệch, rà soát các tiêu chí theo đúng quy định Cục Viễn thông (Bộ TT-TT) đưa ra. Tuy nhiên, việc thực hiện gặp khó khăn vì khách hàng vẫn còn thói quen sử dụng thuê bao đã kích hoạt. Về phần doanh nghiệp mình, ông Nguyễn Minh Phương, Phó Tổng giám đốc Viettel, thông tin, Viettel đã thực hiện rà soát thuê bao trả trước để chuẩn hóa thông tin thuê bao.
Người sử dụng có thể gửi tin nhắn phản ánh tin nhắn, cuộc gọi rác đến tổng đài 5656, theo hướng dẫn tại Thông tư 22/2021/TT-BTTTT. Để phản ánh thư điện tử rác, người sử dụng chỉ cần chuyển tiếp thư điện tử rác tới địa chỉ thư điện tử: chongthurac@vncert.vn. Phản ánh, cung cấp các bằng chứng tin nhắn rác, cuộc gọi rác và thư điện tử rác tại website thongbaorac.ais.gov.vn, hoặc qua tổng đài hay ứng dụng. Ngoài ra, có thể đăng ký/hủy đăng ký danh sách không nhận tin nhắn quảng cáo qua website: khongquangcao.ais.gov.vn, qua tổng đài hay ứng dụng. |