Nhiều kết quả ấn tượng
Năm 2020, UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Quyết định số 586 về kế hoạch thực hiện Chương trình hành động 217 của Tỉnh ủy về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Theo đó, tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính, mời gọi đầu tư có chọn lọc và đã có những kết quả bước đầu.
9 tháng đầu năm 2021, tổng vốn thu hút đầu tư trong nước đạt hơn 9,85 ngàn tỷ đồng; 12 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư vốn đầu tư 91 triệu USD. Lũy kế, trên địa bàn tỉnh có 972 dự án (339 dự án đầu tư nước ngoài và 637 dự án trong nước) tổng vốn đăng ký hơn 8,25 tỷ USD và gần 98,33 ngàn tỷ đồng. Thu hút đầu tư trong nước tăng cao về số dự án cấp mới và số vốn đăng ký; trong đó thu hút 1 dự án có vốn đầu tư lớn và 4 dự án nhà ở (Dự án Khu thương mại dịch vụ ven chân núi phía Nam của Công ty CP Mặt trời Tây Ninh).
Trong các lĩnh vực đầu tư vào Tây Ninh, đáng chú ý là lĩnh vực nông nghiệp với việc chuẩn bị quỹ đất hàng ngàn hécta, đặt mục tiêu hình thành vùng nông nghiệp công nghệ cao và đến nay đã mời gọi được nhiều doanh nghiệp lớn bỏ vốn xây dựng nhà máy chế biến. Tây Ninh hiện có các chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp như: chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2020-2025; chính sách hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2019-2025; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2019-2025 và chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp phục vụ phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm giai đoạn 2016-2025. Đến nay đã thu hút được một số doanh nghiệp chế biến, giải quyết đầu ra sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi của người dân trong tỉnh: 4 nhà máy chế biến đường, công suất 15.800 tấn/ngày; 65 nhà máy chế biến tinh bột sắn, công suất 6,4 triệu tấn củ/năm; 23 nhà máy chế biến mủ cao su, công suất 48.000 tấn nguyên liệu/năm; 20 nhà máy chế biến hạt điều, công suất 20.000 tấn/năm và nhà máy chế biến rau củ quả (Tanifood) công suất 500 tấn nguyên liệu/ngày…
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư
Cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh thu hút đầu tư là một trong những chương trình trọng điểm giai đoạn 2020-2025 đã được tỉnh Tây Ninh đề ra để phát triển thành tỉnh khá trong khu vực Đông Nam bộ. Năm 2020, chỉ số PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) của Tây Ninh xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giảm 2,89 điểm và giảm 9 bậc so với năm 2019. Trong khi đó, chỉ số PAPI (chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh) xếp hạng thứ 51/63, giảm 1,04 điểm và giảm 10 bậc so với năm 2019. Ở chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT - truyền thông Việt Nam (ICT Index), Tây Ninh tạo ấn tượng khi năm 2020 tăng 16 bậc so với năm 2019, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…
Đặc biệt, trung tâm hành chính công tỉnh Tây Ninh, đơn vị đầu mối trong tiếp nhận hồ sơ, xử lý thủ tục hành chính với cơ chế một cửa, một cửa liên thông, giúp rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp đã thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (nộp hồ sơ, nộp lệ phí trực tuyến, trả hồ sơ qua bưu điện…) từ tháng 7-2021 đã đạt mức 96,8%, tích hợp dịch vụ công trực tuyến lên Cổng quốc gia đạt 53,3%, giúp Tây Ninh đứng vị trí thứ 2 trên cả nước.
Theo lãnh đạo Sở KH-ĐT tỉnh Tây Ninh, để đa dạng đầu tư, huy động các nguồn vốn, thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường hỗ trợ liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ và kết nối chuỗi giá trị doanh nghiệp của tỉnh và doanh nghiệp FDI, kết hợp với phát triển hạ tầng đồng bộ, đầu tư hệ thống đường bộ, đường thủy, tạo điều kiện cho vận chuyển hàng hóa giữa khu công nghiệp, khu kinh tế với các tỉnh, thành phố trong khu vực, nâng cao hiệu quả logistics nhằm giảm chi phí vận tải, chi phí đầu vào doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh…