Niềm vui trở lại với công nhân
Chúng tôi tìm đến căn phòng trọ rộng khoảng 15m2 trong con hẻm đường Cầu Kinh, phường Tân Tạo A (quận Bình Tân), nơi vợ chồng chị Hồ Thị Kim Cúc (34 tuổi, quê Bình Thuận) thuê trọ.
Trong căn phòng, tài sản quý giá nhất của vợ chồng chị Cúc là chiếc xe máy - phương tiện mưu sinh của chồng chị và chiếc máy may đã cũ được chị Cúc mua lại với giá hơn 2 triệu đồng để gia công gấu bông những lúc không tăng ca.
Chị Cúc rời quê vào TPHCM đã hơn 9 năm và cũng ngần ấy thời gian chị làm công nhân tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, quận Bình Tân. Từ cuối năm 2022, tình hình sản xuất khó khăn, chị cùng nhiều công nhân khác không được tăng ca. Mỗi tháng chị nhận lương cơ bản và các khoản phụ cấp, trung bình hơn 8 triệu đồng/tháng. Chồng chị chạy xe ôm công nghệ, thu nhập mỗi ngày vừa đủ lo các khoản ăn uống. Từ tháng 9, chị được tăng ca trở lại và khoản thu nhập từ tăng ca giúp vợ chồng chị tạm đủ trang trải cuộc sống.
Có một thực tế, nguồn thu nhập của nhiều công nhân nhà máy một phần nhờ vào tiền tăng ca. Nhiều công nhân vào nhà máy từ sáng sớm, khi trở về đã tối mịt. Dẫu vậy, họ vẫn mong được tăng ca, bởi lẽ thu nhập từ mức lương cơ bản không đủ trang trải các chi phí ngày càng đắt đỏ.
Anh Nguyễn Văn Màu (36 tuổi, quê Tiền Giang) làm công nhân Công ty TNHH PouYuen Việt Nam hơn 10 năm, do mắc bệnh khiến sức khỏe sa sút nên anh phải chuyển bộ phận, lương anh nhận chỉ còn hơn 5 triệu đồng/tháng. Gần đây, anh mới được tăng ca, thu nhập hơn 6 triệu đồng/tháng. Số tiền từ việc tăng ca không nhiều, nhưng cũng giúp anh trang trải những lo toan khi bệnh tật.
Từng là một trong những doanh nghiệp phải cho công nhân nghỉ việc luân phiên, gần đây, Công ty TNHH Freetrend Industrial Việt Nam (KCX Linh Trung 1, TP Thủ Đức) đã cho công nhân tăng ca trở lại.
Chị Nguyễn Thị Cúc (quê Hà Tĩnh), công nhân công ty cho biết, hơn 10 năm làm công nhân, chưa bao giờ chị vui như lúc này. Trước đây, chị xem việc tăng ca là bình thường, nhưng sau thời gian khó khăn, chỉ làm giờ hành chính, chị và nhiều công nhân trân trọng hơn những giờ tăng ca tại nhà máy. Chị Cúc cho biết, nhờ tăng ca, thu nhập của chị đủ trang trải chi phí thuê trọ, ăn uống và lo 2 con đi học.
“Tiền học của con mỗi tháng đã 6 triệu đồng, tiền trọ hơn 2 triệu đồng, chưa kể ăn uống và chi phí khác, nếu không tăng ca tôi rất chật vật”, chị Cúc bộc bạch.
Tuyển mới hàng chục ngàn lao động
Hiện nay, nhiều DN trên địa bàn TPHCM đang có kế hoạch tuyển dụng lao động. Kết quả khảo sát của Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM tại 45 DN cho thấy, từ nay đến cuối năm 2023, các DN cần tuyển trên 4.300 lao động.
Vị trí tuyển dụng ngành kinh doanh và quản lý (tuyển 2.367 người); khách sạn, du lịch và dịch vụ (727 người); lao động phổ thông (616 người); kế toán, kiểm toán (245 người); tài chính, chứng khoán, bất động sản (236 người); da giày, may mặc (50 người)…
Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM cũng vừa phối hợp Phòng LĐTB-XH quận 11 tổ chức sàn giao dịch việc làm. Tại đây, 25 DN thông báo tuyển hơn 1.470 lao động. Trong đó, Công ty CP Tư vấn Phước Tài cần tuyển 250 lao động, gồm 100 kỹ thuật viên, 50 thực tập sinh, 50 lao động, 50 du học sinh.
Tương tự, Công ty TNHH bán lẻ Phương Nam tuyển 220 lao động ở các vị trí: bán hàng, thu ngân, trưởng ca, cửa hàng trưởng; trong khi đó, Công ty CP giày da và may mặc XNK Legamex tuyển 55 thợ may, ủi...
Bà Trần Thảo Chi, Trưởng phòng tuyển dụng đào tạo, Công ty TNHH Cửa hàng tiện lợi gia đình Việt Nam (Family Mart), cho biết, từ nay đến cuối năm 2023, mỗi tháng công ty tuyển dụng từ 100-200 nhân viên để đáp ứng nhu cầu kinh doanh ở TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và Đồng Nai.
Bà Lê Thị Kim Liên, Bộ phận tuyển dụng nhân sự, Công ty CP Thực phẩm Cholimex, thông tin, công ty cần tuyển 150 lao động phổ thông để đáp ứng nhu cầu sản xuất cuối năm. Ngoài ra, dự kiến đầu năm tới, công ty tiếp tục tuyển dụng khoảng 300 lao động phổ thông cho nhà máy mới ở tỉnh Long An và 50 người cho các vị trí chuyên môn.
Theo đánh giá của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM (thuộc Sở LĐTB-XH TPHCM), dù còn nhiều khó khăn, song với những dấu hiệu đang dần phục hồi, thị trường lao động TPHCM sẽ có nhiều chuyển biến tích cực trong những tháng cuối năm 2023. Dự báo trong quý 4-2023, thị trường lao động thành phố ghi nhận một số tín hiệu tích cực khi nhiều DN tìm được đơn hàng mới. Trung tâm cũng dự báo, từ đây đến cuối năm 2023, các DN có nhu cầu tuyển dụng cao, từ 75.500 đến 81.500 lao động để chuẩn bị cho sản xuất, kinh doanh dịp tết.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, các DN trên địa bàn thành phố đã giải quyết việc làm cho 242.000 lượt lao động, trong đó có khoảng 107.000 việc làm mới. Thành phố cũng ghi nhận 128.000 trường hợp nghỉ việc đề nghị giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, tháng 9-2023, số lao động nghỉ việc nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp giảm sau 6 tháng liên tục tăng; so với tháng 8-2023 đã giảm 28,4%.
Kết quả khảo sát của Sở LĐTB-XH TPHCM về tình hình lao động, việc làm tại hơn 2.510 DN cho thấy, có 51% DN tiếp tục duy trì hoạt động trong quý 3-2023 và tăng lao động; hơn 21% DN cho biết phải giảm lao động. Những tháng cuối năm, Sở LĐTB-XH sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ người lao động, DN để ổn định tình hình lao động, việc làm. Cụ thể, sở sẽ tham mưu thành phố về chiến lược lao động, việc làm trên địa bàn thành phố; tổ chức 12 sàn giao dịch việc làm (trong đó có 2 sàn giao dịch việc làm dành cho người khuyết tật và 1 sàn giao dịch trực tuyến, kết nối với 13 tỉnh thành ĐBSCL) để giải quyết việc làm cho người lao động.