Tín hiệu vui thu hút đầu tư vào Tây Ninh

Do bất lợi về giao thông và nằm xa trung tâm kinh tế TPHCM nên cách đây khoảng 9 - 10 năm, việc thu hút đầu tư vào tỉnh Tây Ninh khá ì ạch với số dự án khiêm tốn và ít có dự án lớn. Thế nhưng, vài năm gần đây, bức tranh thu hút đầu tư vào tỉnh này đã đổi màu, hứa hẹn những bứt phá trong thời gian tới.

Hệ thống cáp treo tại Khu du lịch Núi Bà (tỉnh Tây Ninh)
Hệ thống cáp treo tại Khu du lịch Núi Bà (tỉnh Tây Ninh)

Những con số biết nói

Từ năm 2016 đến ngày 30-6-2019, tỉnh Tây Ninh đã thu hút được 114 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký là 1,577 tỷ USD và 3.689 tỷ đồng (tương đương 3,22 tỷ USD). Trong đó, năm 2018 được xem là năm bội thu với 35 dự án, có tổng vốn đầu tư cấp mới là 416,3 triệu USD và 1.818 tỷ đồng; tổng vốn dự án điều chỉnh đầu tư 315 triệu USD và 901 tỷ đồng.

Đến nay, tổng diện tích đất cho thuê đạt hơn 867ha, doanh thu công nghiệp đạt 10,40 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu đạt 10,78 tỷ USD, giải quyết việc làm cho 16.360 lao động. Nhiều khu công nghiệp (KCN) có tỷ lệ lấp đầy hơn 90%. Đáng chú ý, 100% KCN, khu chế xuất, khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường. 

Điểm sáng trong thu hút đầu tư vào Tây Ninh chính là các dự án lớn gần đây về nông nghiệp công nghệ cao - trồng trọt, chế biến rau quả và chăn nuôi. Đó là: dự án trang trại bò sữa lớn nhất Việt Nam với 8.000 con đạt tiêu chuẩn GlobalGAP,  tổng vốn đầu tư 50 triệu USD của Tập đoàn Vinamilk; dự án nhà máy chế biến rau củ quả xuất khẩu với số vốn 1.780 tỷ đồng của Tập đoàn Lavifood (đều được khánh thành, đi vào hoạt động trong quý 1-2019).

Theo tính toán của Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh, ước tổng nguồn vốn đầu tư trong cả giai đoạn 2016-2020 là 4,02 tỷ USD (đạt 143,81% kế hoạch) và kim ngạch xuất khẩu ước đạt 16 tỷ USD (đạt 214% chỉ tiêu kế hoạch Nghị quyết Đại hội X của Đảng bộ tỉnh đề ra).

Chuyển đổi các khu kinh tế cửa khẩu

Theo quy hoạch KCN Việt Nam, đến năm 2020 Tây Ninh có 7 KCN, tổng diện tích 3.958ha. Trong số này, có 5 KCN đã được cấp phép thành lập với tổng diện tích đất được duyệt là 3.384ha. Qua rà soát, ở 5 KCN nói trên, hiện không có dự án chậm triển khai hay không có khả năng triển khai vượt quá 24 tháng theo Luật Đầu tư và nghị định hướng dẫn. Một số dự án chậm triển khai so với tiến độ đăng ký theo giấy chứng nhận đầu tư, nhưng các nhà đầu tư đã chủ động thực hiện thủ tục giãn tiến độ theo quy định.

Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay vẫn là tương lai của các KKTCK Mộc Bài và Xa Mát. Trong đó, KKTCK Mộc Bài có quy mô khá lớn với diện tích 21.284ha. Tính đến ngày 30-6-2019, KKTCK Mộc Bài còn 56 dự án đăng ký đầu tư còn hiệu lực, 27 dự án đang hoạt động, 6 dự án đang xây dựng, 23 dự án chưa xây dựng. Sau 20 năm triển khai, KKTCK này chưa phát huy ngang tầm với tiềm năng và mong muốn của địa phương trong việc hướng đến xây dựng một đô thị mới Mộc Bài.

Còn KKTCK Xa Mát được thành lập với quy mô 34.197ha, trong đó có Khu đô thị cửa khẩu Xa Mát rộng 728ha. Tính đến ngày 30-6-2019, KKTCK Xa Mát còn 2 dự án đăng ký đầu tư còn hiệu lực, 1 dự án đang hoạt động, 1 dự án chưa xây dựng. Hiện việc triển khai thực hiện quy hoạch KKTCK Xa Mát gặp nhiều khó khăn, như chồng lấn ranh với các dự án trong khu vực, đất rừng và chính sách bồi thường đối với đất vành đai biên giới; nguồn lực đền bù và đầu tư hạ tầng cho vùng biên còn hạn chế do nằm xa trung tâm thành phố, nên gặp nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý KKTCK, trong thời gian tới cần chuyển đổi mục tiêu - động lực phát triển của KKTCK Mộc Bài từ các hoạt động thương mại sang tập trung các dịch vụ cửa khẩu, logistics, phát triển các KCN, phát triển thương mại dịch vụ gắn liền với nhà ở đô thị và thu hút các dự án đầu tư tạo sản phẩm du lịch sinh thái, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí.

Tin cùng chuyên mục