Nhiều ông bà “bầu” lo lắng khán giả sẽ quên thói quen đến các điểm diễn nghệ thuật vào dịp cuối tuần. Thế nhưng, thật bất ngờ, gần một tháng sáng đèn, các chương trình biểu diễn nghệ thuật của các sân khấu từ công lập đến XHH đều cháy vé. Khởi đầu là suất diễn cải lương Ngũ Hổ Bình Tây của sân khấu XHH Chí Linh - Vân Hà tại Nhà hát Nghệ thuật Cải lương Trần Hữu Trang.
Ngay trước ngày công diễn, phòng vé thông báo đã hết sạch vé. Nhiều khán giả chậm chân chấp nhận mua vé ghế súp để được thưởng thức vở diễn đặc sắc này. Giữa tháng 6, vở cải lương Tướng cướp Bạch Hải Đường cũng của nhà hát này cũng “cháy vé”. Trước nhu cầu của nhiều khán giả chưa mua được vé, ê kíp thực hiện chương trình đã quyết định tổ chức thêm một đêm diễn vào tối 27-6.
Ở lĩnh vực sân khấu kịch, đầu tháng 6, Nhà hát Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần của bà “bầu” NSƯT Mỹ Uyên công diễn vở Bồ công anh. Vở diễn vừa quảng bá đã khiến sân khấu đầy ắp khán giả liên tục nhiều suất. Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM (HBSO) cũng tạo nên sự khác biệt khi bán sạch vé đêm hòa nhạc giao hưởng Beethoven - Giao hưởng số 5.
Đặc biệt nhất là vở múa Ballet Kiều, công diễn đầu tiên vào ngày 20-6, vé cũng bán hết sạch chỉ trong 6 ngày, vé suất diễn thứ 2 ngày 23-7 hết chỉ sau 4 ngày mở bán, suất thứ 3 ngày 24-7 do Hội Hữu nghị Việt - Mỹ đặt hàng. HBSO tổ chức thăm dò nhu cầu khán giả và tiếp tục lên kế hoạch biểu diễn suất thứ 4 ngày 27-6. Ngay cả suất diễn tại Hà Nội (vào ngày 14-8 tới đây) hiện cũng đã bán hết vé.
Hiện tượng các phòng vé “cháy vé” trong những ngày cuối tháng 5 và tháng 6 đã cho thấy những sản phẩm văn hóa nghệ thuật có chất lượng cao, phù hợp thị hiếu, gần gũi tâm lý khán giả chính là tiêu chí để khán giả chọn lựa mua vé xem. Từ đó góp phần giúp những người làm nghề có thêm sức mạnh, niềm tin, động lực để tiếp tục cố gắng cống hiến cho sự nghiệp phát triển chung của văn hóa nghệ thuật TPHCM.