Đồng Tháp là địa phương có diện tích trồng xoài lớn nhất ở khu vực ĐBSCL với gần 9.650ha, sản lượng khoảng 127.000 tấn/năm. Xoài được xác định là một trong những loại cây ăn trái thế mạnh của tỉnh và được chọn để tái cơ cấu sản xuất theo hướng bền vững. Mới đây, Đồng Tháp là địa phương xuất khẩu lô xoài đầu tiên sang thị trường Hoa Kỳ, mở ra hướng đi đầy triển vọng…
Đầu tư đồng bộ
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Từ năm 2005-2006, Đồng Tháp đã chú trọng phát triển vùng sản xuất cây ăn trái tập trung và xây dựng vườn cây kiểu mẫu. Theo đó, đã hình thành vùng sản xuất xoài ở huyện Cao Lãnh và TP Cao Lãnh. Ngoài ra, tỉnh chọn xoài là một trong 5 ngành hàng chủ lực thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp với nhiều mô hình ứng dụng khoa học - công nghệ mới vào sản xuất, như rải vụ thu hoạch xoài (gần 70% diện tích), bao trái xoài (với gần 90% diện tích), sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (toàn tỉnh có 181ha xoài đạt tiêu chuẩn VietGAP, 43ha đạt tiêu chuẩn GlobalGAP và 17ha chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm). Tỉnh còn tập trung xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, xác nhận cấp mã vùng trồng xoài để xuất khẩu, liên kết sản xuất với tiêu thụ, ứng dụng công nghệ blockchain, công nghệ xử lý sau thu hoạch, chế biến… góp phần gia tăng giá trị ngành hàng xoài. Trong đó, xoài cát chu Cao Lãnh và xoài Cao Lãnh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu và hiện nay đã có 301ha được cấp mã vùng trồng”.
Theo ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, trái xoài của Việt Nam được trồng từ Nam chí Bắc với những giống xoài nổi tiếng có hình dáng đẹp và hương vị đặc trưng như xoài cát Hòa Lộc, xoài keo, xoài cát chu, xoài hòn, xoài bưởi, xoài cát bồ, xoài canh nông, xoài Yên Châu… Trong đó, giống chủ lực là xoài cát Hòa Lộc được cấp giấy đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa và chứng chỉ quốc gia về chỉ dẫn địa lý. Các vườn xoài xuất khẩu được sản xuất theo quy trình VietGAP và GlobalGAP. Đến nay, xoài của Việt Nam được xuất khẩu tới 40 nước trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Australia, Canada, Hồng Công (Trung Quốc)… Hàng năm, thị trường Hoa Kỳ đang nhập khẩu gần 400.000 tấn xoài tươi, chủ yếu từ các quốc gia Trung Mỹ và Nam Mỹ. Hiện sản lượng xoài trồng ở Hoa Kỳ mỗi năm chỉ khoảng 3.000 tấn, chưa bằng 1/100 số lượng họ phải nhập khẩu. Trong khi đó, chất lượng xoài của Việt Nam không hề thua kém các nước ở khu vực Trung Mỹ và Nam Mỹ. Điều này cho thấy tiềm năng của xoài Việt Nam vào thị trường này rất lớn.
Việt Nam đã gửi hồ sơ xin mở cửa thị trường cho trái xoài vào năm 2009. Trong suốt 10 năm qua, cơ quan kiểm dịch thực vật của 2 nước đã có nhiều cuộc trao đổi kỹ thuật để thống nhất biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật. Sau nhiều nỗ lực đàm phán, cơ quan kiểm dịch thực vật của hai bên đạt được thỏa thuận điều kiện nhập khẩu xoài và kế hoạch xử lý bằng chiếu xạ khi xuất khẩu xoài từ Việt Nam. Kết quả, vào cuối tháng 4-2019, lô xoài 8 tấn của Đồng Tháp đã chính thức xuất khẩu sang Hoa Kỳ, mở ra hướng đi triển vọng cho trái cây Việt Nam.
Nâng giá trị trái xoài
Ông Võ Việt Hưng, Giám đốc HTX xoài Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh), cho biết: “HTX xoài Mỹ Xương là đơn vị được các đối tác chọn sản xuất và cung ứng xoài xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Đây là niềm tự hào của các thành viên trong HTX. Để đảm bảo lô xoài đạt chất lượng xuất sang Hoa Kỳ, nhiều tháng qua, các doanh nghiệp xuất khẩu, đối tác, chuyên gia, ngành nông nghiệp… đã đến khảo sát mô hình trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP của HTX xoài Mỹ Xương; đồng thời hướng dẫn phương pháp sản xuất nhằm đạt các tiêu chuẩn mà phía Hoa Kỳ đưa ra”.
Theo Bộ NN-PTNT, để đánh dấu sự kiện Việt Nam chính thức xuất khẩu xoài tươi sang thị trường Hoa Kỳ, giữa tháng 2-2019, Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với Văn phòng Cục Kiểm dịch động thực vật (APHIS) tổ chức lễ công bố xuất khẩu xoài của Việt Nam sang Hoa Kỳ. Hiện Hoa Kỳ và Việt Nam đang hợp tác chặt chẽ để thúc đẩy thương mại nông sản giữa hai nước. Sau nhiều nỗ lực đàm phán, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ và Bộ NN-PTNT Việt Nam đạt được thỏa thuận “đồng ý về nguyên tắc mở cửa thị trường đối với các sản phẩm của nhau”. Nay lô xoài đầu tiên của Đồng Tháp xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ là bằng chứng rõ rệt, thể hiện kết quả hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong thúc đẩy thương mại nông sản.
Ông La Văn Hùng, Chủ nhiệm Duy Tân hội quán (ở xã Hòa An, TP Cao Lãnh), phấn khởi: “Trước đây, xoài ở Cao Lãnh đa phần tiêu thụ nội địa. Gần đây, khi thực hiện đề án tái cơ cấu thì việc sản xuất có nhiều thay đổi từ nhỏ lẻ sang liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ; đồng thời được ngành chức năng đầu tư công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật giúp nông dân nâng cao năng suất và chất lượng trái xoài. Tại Duy Tân hội quán có 42 thành viên, canh tác hơn 30ha xoài cát chu, sản lượng 300 tấn/năm, liên kết với Công ty Long Uyên bao tiêu sản phẩm. Có thể nói, ngành xoài đã có những bước tiến đáng kể và khi trái xoài của Đồng Tháp chính thức vào thị trường Hoa Kỳ là kết quả quá trình nỗ lực của ngành nông nghiệp, chính quyền, doanh nghiệp, nông dân… nhằm đưa sản phẩm đi xa hơn, nâng giá trị cao hơn”.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, khẳng định xuất khẩu vào thị trường khó tính như Hoa Kỳ là niềm tự hào của người trồng xoài. Song để phát triển bền vững trong thời gian tới, đòi hỏi các nhà vườn phải duy trì sản xuất xoài đảm bảo chất lượng, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; thực hiện mối liên kết bền vững với các doanh nghiệp xuất khẩu, để từ kết quả hôm nay, sản lượng trái xoài nói riêng và trái cây nói chung, được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ ngày càng nhiều hơn; đồng thời thâm nhập thêm nhiều thị trường khó tính trên thế giới góp phần tăng lợi nhuận và hiệu quả kinh tế cho nhà vườn...
* Bà Megan Francic, Tùy viên Nông nghiệp, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TPHCM: NGỌC DÂN (ghi) |