Lâu nay, Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu về xuất khẩu nông thủy sản, chủ yếu là lúa gạo, tôm cá và rau quả. Trong đó, mặt hàng rau quả đã từng bước chinh phục các thị trường khó tính. Thế nhưng, mặt hàng chăn nuôi thì ngày 9-9 vừa qua là đầu tiên. Lô hàng hơn 300 tấn thịt gà xuất khẩu sang Nhật đánh dấu mốc mới cho ngành chăn nuôi nước ta.
Nếu đi một vòng quanh các siêu thị, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy sản phẩm chăn nuôi từ các quốc gia khác được nhập khẩu tươi hoặc đã qua sơ chế như thịt heo Mỹ, thịt bò Australia, đùi gà Brasil nhưng sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam, dù quy mô lớn, lại khó đạt chuẩn xuất khẩu. Hiện nay, hầu hết các nước nhập khẩu đều có quy chuẩn riêng của mình. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng được những quy chuẩn kỹ thuật cũng như tiêu chuẩn vùng nuôi của nước nhập khẩu. Đưa được thịt gà vào Nhật là một bước đi thành công. Kết quả trên là sự hợp tác giữa 4 doanh nghiệp trong chuỗi liên kết sản xuất, gồm: Hùng Nhơn Group (Bình Phước), De Heus (Hà Lan), Bel Gà (Bỉ) và Koyu & Unitek. Trong chuỗi liên kết đó, doanh nghiệp Việt chỉ nhận được phần nuôi gia công, gà giống do Bel Gà lo, thức ăn do De Heus cung cấp. Riêng giống và thức ăn đã chiếm 70% - 80% giá thành. Mất hơn 2 năm đàm phán để hoàn thiện các khâu thủ tục, chuỗi liên kết trên mới chính thức xuất khẩu được sang Nhật, một trong những thị trường khó tính nhất thế giới, lô hàng đầu tiên.
Để có được kết quả này, từ tháng 6-2016, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) đã tổ chức hỗ trợ, hướng dẫn Công ty TNHH Koyu & Unitek tại tỉnh Đồng Nai xây dựng “Đề án sản xuất thịt gà chế biến theo chuỗi khép kín để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản”. Cục Thú y đã phối hợp với Công ty TNHH Koyu & Unitek tổ chức triển khai các chương trình giám sát dịch bệnh gia cầm và giám sát an toàn thực phẩm; thực hiện các yêu cầu vệ sinh thú y đối với nhà máy giết mổ, chế biến thịt gà xuất khẩu theo yêu cầu của Nhật Bản. Đồng thời, Cục Thú y Việt Nam đã phối hợp với Công ty TNHH Koyu & Unitek tổ chức triển khai các chương trình giám sát dịch bệnh gia cầm và giám sát an toàn thực phẩm; thực hiện các yêu cầu vệ sinh thú y đối với nhà máy giết mổ, chế biến thịt gà xuất khẩu theo yêu cầu của Nhật Bản. Cục Thú y Nhật Bản cũng đã cử đoàn thanh tra thú y sang Việt Nam để đánh giá chuỗi sản xuất thịt gà chế biến xuất khẩu của Công ty TNHH Koyu & Unitek. Kết luận của đoàn thanh tra thú y Nhật Bản khẳng định: Công ty TNHH Koyu & Unitek bảo đảm các yêu cầu về vệ sinh thú y để xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản. Trước đó, vào tháng 3-2017, Công ty Koyu & Unitek đã khánh thành nhà máy chế biến thịt gà mới để chuẩn bị xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Trong đó, công ty đã đầu tư 6 triệu USD nhập dây chuyền máy móc công nghệ từ Nhật Bản để xây dựng nhà máy có công suất chế biến 50.000 con gà/ngày. Sản phẩm của nhà máy này là các loại thịt gà đã chế biến như gà rán, burger gà, gà viên... đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Câu hỏi đặt ra là tại sao với một quốc gia có năng lực chăn nuôi như nước ta nhưng xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi lại khó khăn, và mới chỉ có Koyu & Unitek làm được điều này? Thực tế, hầu hết các cơ sở giết mổ gia cầm trong nước hiện nay đều không có hệ thống cấp đông, bảo quản lạnh, không có chuỗi sản xuất thịt bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm đến sản phẩm xuất khẩu và không hình thành được chuỗi sản xuất khép kín. Chúng ta nhận thấy rõ rằng muốn vào được các thị trường khó tính như Nhật Bản, sau đó là Mỹ, EU, sản phẩm chăn nuôi Việt Nam phải đi từ “gốc” là chất lượng, phải tổ chức lại sản xuất theo hướng chuyên nghiệp. Khi đã có nền sản xuất chuyên nghiệp, sản phẩm chất lượng, thì bài toán thị trường sẽ đơn giản hơn.
Để làm được điều này, về giải pháp trước mắt, theo các chuyên gia, doanh nghiệp cần thực hiện khép kín từ khâu sản xuất thức ăn, con giống, nuôi thương phẩm, hệ thống dây chuyền giết mổ, hệ thống bảo quản mát, hệ thống cấp đông, hệ thống kho bảo quản, chế biến bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm; không tồn dư các hóa chất như kháng sinh, hormone, thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng… theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Về giải pháp lâu dài, cần tập trung đầu tư kinh phí cho việc quy hoạch vùng chăn nuôi heo và gia cầm, tăng cường đầu tư năng lực cho ngành thú y, đồng thời cấp đầy đủ kinh phí để thực hiện các chương trình quốc gia về phòng chống dịch bệnh. Có như vậy, chúng ta mới có thể xây dựng được các vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm để đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, góp phần phát triển nền nông nghiệp nước ta ngày một bền vững!