Các nhà chuyên môn cho rằng, với sự chuyển dịch từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao (CNC), nâng chất lượng sản phẩm đã giúp nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam tạo được chỗ đứng trên thị trường quốc tế.
Ông Võ Văn Trưng ở xã Bình Thạnh, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) là một trong những nông dân tiên phong trồng dưa lưới khi có chủ trương của ngành nông nghiệp. Với 3.000m2 đất, trong 5 năm qua nhờ trồng dưa lưới ứng dụng CNC, ông có thu nhập trên 500 triệu đồng/năm. Từ hiệu quả mô hình sản xuất dưa lưới của ông Trưng, 12 nông dân nơi đây đã tham gia hình thành HTX dưa lưới Thuận Phát với diện tích 9.000m2, thu nhập 2 tỷ đồng/năm.
“Đến nay, Hậu Giang có trên 30 nhà màng, 50 nhà lưới trồng dưa và các loại rau sạch cung ứng cho thị trường các nơi. Đây là mô hình tiên phong trong việc áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, điều khiển chế độ tưới, phân bón thông qua thiết bị thông minh”, ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết.
Cần Thơ là nơi có nhiều viện, trường đại học đóng trên địa bàn nên việc sản xuất nông nghiệp CNC phát triển khá nhanh. Đến nay Cần Thơ đã xây dựng 6 vùng sản xuất tập trung cho các sản phẩm chủ lực, phát triển theo chuỗi giá trị như vùng lúa chất lượng cao gắn với cánh đồng lớn, diện tích gieo trồng 214.000ha; vùng rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày, diện tích gần 18.000ha… Đồng thời thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp CNC, với tổng kinh phí hơn 231 tỷ đồng. Cùng với đó, xây dựng 41 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho 239 sản phẩm nông, lâm, thủy sản và hỗ trợ ứng dụng tem điện tử thông minh, truy xuất nguồn gốc.
Tại Bạc Liêu, đến giữa năm 2021 đã có 23 công ty, đơn vị và trên 650 hộ đang đầu tư nuôi tôm thẻ siêu thâm canh, với công nghệ tiên tiến mang lại hiệu quả cao. Hiện Bạc Liêu có 4 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC; 7 đơn vị được chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế trong nuôi tôm sạch... Theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, nuôi tôm theo CNC kiểm soát được môi trường nuôi, nguồn nước, dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm, giảm rủi ro, cung ứng nguồn nguyên liệu sạch, truy xuất nguồn gốc từ tôm bố mẹ, giống, thức ăn... Đây là hướng đi bền vững.
Cần chính sách kịp thời
Tháng 5-2017, Thủ tướng Chính phủ có quyết định thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng CNC phát triển tôm ở Bạc Liêu. Tỉnh rất kỳ vọng khu CNC này nhằm xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm của ngành công nghiệp tôm cả nước. Ông Phạm Hoàng Minh, Giám đốc Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng CNC phát triển tôm Bạc Liêu, cho biết: “Sau thời gian triển khai đến nay đã hoàn thành giai đoạn 1 và chọn được 9 doanh nghiệp đầu tư vào khu này để phát triển về giống tôm, chế phẩm sinh học, thức ăn tôm...”. Theo ông Minh, mục tiêu chính của khu này là xây dựng các mô hình nuôi tôm ứng dụng CNC hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu xuất khẩu; sau đó nhân rộng ra toàn tỉnh và cả nước.
UBND tỉnh Bạc Liêu vừa ban hành kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2021-2025, theo hướng ứng dụng CNC. Bạc Liêu đẩy mạnh đề án xây dựng tỉnh trở thành trung tâm của ngành tôm công nghiệp cả nước; ưu tiên phát triển nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh. Theo ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào Khu nông nghiệp ứng dụng CNC để phát triển ngành tôm; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với nông dân; khuyến cáo nhân rộng mô hình sản xuất tôm sạch và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi khép kín của Tập đoàn Việt Úc...
Có thể nói, ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp là xu hướng tất yếu và ngành lúa gạo đã có bước tiến đáng ghi nhận. Theo PGS.TS Dương Văn Chín, nguyên Phó Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL: “Điểm sáng của ngành lúa gạo Việt Nam gần đây là ứng dụng công nghệ, lai tạo chọn lọc nhiều giống lúa chất lượng, ngon cơm, có giá bán cao trên thị trường thế giới, cao hơn gạo Thái Lan và Ấn Độ trong cùng phân khúc. Những giống như ST 24, ST 25, Lộc Trời 28… có thể xây dựng thương hiệu cho phân khúc gạo thơm trắng cao cấp trong tương lai gần”.
Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, nhìn nhận: “Thời gian qua, phát triển nông nghiệp CNC được Bộ NN-PTNT quan tâm chỉ đạo. Tuy nhiên, việc hỗ trợ các mô hình CNC chủ yếu thông qua chính sách khuyến nông, chưa có chính sách đặc thù riêng. Trong khi việc thực hiện các mô hình này cần chi phí đầu tư ban đầu khá lớn, chỉ phù hợp với những tổ chức và cá nhân có nhiều vốn; từ đó, việc nhân rộng còn chậm”.
Nhiều sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL cũng cho rằng, chi phí đầu tư xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC rất lớn. Nhiều cơ sở sản xuất chưa đủ vốn để ứng dụng trong cải thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm... Giải bài toán này, Bộ NN-PTNT đang khuyến cáo đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp. Bộ sẽ có hướng dẫn, kế hoạch hành động cụ thể, đồng thời đề xuất Chính phủ ban hành những chính sách mới nhằm giúp việc chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp đạt hiệu quả.
6 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đạt 24,23 tỷ USD, tăng 28,2% so cùng kỳ. Theo Bộ NN-PTNT, trong nửa cuối năm 2021, ngành sẽ nỗ lực thực hiện mục tiêu kép, vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa quyết tâm đạt kim ngạch xuất khẩu 45 tỷ USD (cao hơn Chính phủ giao 3 tỷ USD)… Làm được điều này, cần triển khai các giải pháp tác động vào những sản phẩm chủ lực xuất khẩu, tăng giá trị xuất khẩu nhằm bù vào những sản phẩm dự kiến không đạt. |