Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 3,1%, vượt mức dự báo trước đó là 2,8%. Một trong các động lực dẫn đến kết quả này là chi tiêu tiêu dùng tăng mạnh. Người dân Mỹ tiếp tục chi tiêu nhiều hơn, đặc biệt trong các lĩnh vực dịch vụ và bán lẻ, đóng góp lớn vào tổng cầu nội địa. Bên cạnh đó, các hoạt động thương mại quốc tế phục hồi mạnh mẽ, phản ánh sự cải thiện trong nhu cầu toàn cầu cũng như sức cạnh tranh của hàng hóa Mỹ. Tăng trưởng kinh tế vượt dự báo là tín hiệu tích cực, đặc biệt khi Mỹ đang đối mặt với những thách thức từ lạm phát và biến động địa chính trị. Điều này củng cố niềm tin vào khả năng phục hồi của nền kinh tế Mỹ, đồng thời mở ra triển vọng cho các chính sách kinh tế trong năm 2025.
Trong khi nền kinh tế Mỹ có dấu hiệu tích cực, vấn đề chi tiêu chính phủ đang gặp khó khi Hạ viện Mỹ ngày 19-12 không đủ số phiếu cần thiết để thông qua dự luật do Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson dẫn đầu, nhằm ngăn chặn việc chính phủ phải đóng cửa. Dự luật sẽ gia hạn tài trợ cho chính phủ đến giữa tháng 3-2025 nhằm duy trì ngân sách liên bang ở mức hiện nay khoảng 6.200 tỷ USD, cung cấp tài chính cho các chương trình quân đội, kiểm soát viên không lưu cũng như các cơ quan giám sát liên bang và hỗ trợ phục hồi sau thảm họa thiên tai. Như vậy, các cơ quan liên bang có nguy cơ ngừng hoạt động từ cuối tuần này. Theo Fox News, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã kêu gọi Quốc hội xóa bỏ hoặc gia hạn trần nợ công đến năm 2029.
Trong lúc đợi tin tức mới liên quan dự luật “cứu” chính phủ, mức tăng trưởng ấn tượng trong quý 3-2024 của nền kinh tế Mỹ cũng được coi là thông điệp tích cực. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo để duy trì đà tăng trưởng này, cần có sự cân bằng giữa kiểm soát lạm phát và hỗ trợ kinh tế. Các yếu tố như chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ, chi tiêu chính phủ và diễn biến thị trường lao động sẽ đóng vai trò quyết định.