Trong nửa đầu năm nay, số lượng người xin tị nạn tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Các chính phủ thành viên của EU nhìn chung đang phản ứng bằng các phát ngôn và quyết định cứng rắn hơn.
Vấn đề di cư đã gây ra sự bất đồng trong khối kể từ “khủng hoảng” người tị nạn vào năm 2015. Tuy nhiên, thời gian qua, chủ đề này đã nhận được sự đồng thuận mà trước đó dường như là không thể.
Đáng chú ý là Đức, trước đó vì lý do nhân đạo, đã không đồng ý chấp nhận việc hạn chế nhập cư. Nhưng cuối tháng 9 vừa qua, Đức đã ủng hộ một văn bản quan trọng về cải cách hệ thống di cư châu Âu, mở đường cho khả năng đạt được một thỏa thuận tổng thể giữa 27 nước thành viên về vấn đề di cư. Văn bản này đưa ra một quy chế đặc biệt cho người di cư trong trường hợp có một làn sóng người di cư tràn vào một quốc gia trong khu vực.
Pháp và Italy cũng tìm thấy sự đồng thuận trong vấn đề di cư, được thể hiện bằng tuyên bố của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Italy Giorgia Meloni vào ngày 26-9 rằng “hai bên đã có một quan điểm chung về cách quản lý vấn đề di cư”…
Ủy ban châu Âu hy vọng toàn bộ hiệp ước về di cư và tị nạn (khoảng 10 quy định cải cách về các quy trình tiếp đón tại biên giới, xử lý đơn xin nhập cư và trả lại) sẽ được thông qua vào tháng 2-2024, trước cuộc bầu cử châu Âu diễn ra từ ngày 6 đến ngày 9-6-2024.
Mất 4 năm để đàm phán, tranh luận, và dù Hungary cùng Ba Lan đã phản đối nguyên tắc chia sẻ trách nhiệm và hỗ trợ đối với người di cư, dường như các quốc gia thành viên EU cuối cùng sẽ có thể đạt được sự đồng thuận, tìm được tiếng nói chung cho một vấn đề không ít gai góc.