Dự kiến, họ sẽ hoàn thành dự án vào giữa năm 2022, nhờ việc hợp tác với một số công ty Pháp và Trung Quốc, giá thành sản xuất năng lượng của nhà máy năng lượng mặt trời này sẽ là 1,35 cent/kWh. Ước tính, nguồn năng lượng dồi dào này có thể mang lại điện sạch, giá rẻ cho hơn 160.000 hộ gia đình tại nước này.
Hồi năm ngoái, Công ty Điện lực và nguồn nước UAE cũng khai trương nhà máy điện mặt trời Noor Abu Dhabi tại Abu Dhabi. Nhà máy Noor Abu, liên doanh 2 nhà thầu Marubeni Corp, Nhật Bản và Jinko Solar Holding, Trung Quốc, bao gồm hơn 3,2 triệu tấm pin quang điện, trên diện tích 8km², công suất 1.117 MW và kinh phí xây dựng khoảng 860 triệu USD, cho phép Abu Dhabi tăng sản lượng năng lượng tái tạo và giảm phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên trong sản xuất điện năng. Bên cạnh đó, nguồn điện mặt trời từ dự án cũng giúp ngành năng lượng của UAE phát triển bền vững và hiệu quả hơn, đồng thời giúp giảm hơn 1 triệu tấn khí thải CO2 . Năm nay, dự án Al Dhafra mới sẽ tăng gần gấp đôi công suất của Noor Abu Dhabi, ước tính khi đi vào hoạt động nó sẽ tạo ra 2.000 MW, giảm lượng hơn 3,6 triệu tấn khí thải CO2 /năm, tương đương với việc loại bỏ khoảng 720.000 ô tô.
Chủ tịch Công ty Điện lực và nguồn nước UAE Mohammad Hassan Al Suwaidi cho biết, dự án điện mặt trời này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong chiến lược năng lượng của UAE đến năm 2050, nhằm tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng sạch lên 50% trong tổng mức tiêu thụ năng lượng và giảm tỷ lệ phát thải khí CO2 thêm 70% vào năm 2050. Chia sẻ quan điểm trên, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng cũng cho rằng dự án Noor Abu Dhabi sẽ đóng góp đáng kể cho ngành năng lượng tái tạo của UAE, giúp củng cố năng lực phát triển nguồn năng lượng mặt trời của Abu Dhabi, đồng thời khẳng định cam kết theo đuổi chiến lược năng lượng bền vững và đạt tiêu chuẩn thế giới của UAE. Giá thành sản xuất điện mặt trời tại thủ đô Abu Dhabi rẻ vì đây là khu vực nhiều nắng, nhiều đất trống. Một yếu tố khác giúp thủ đô UAE đạt được con số ấn tượng là công nghệ sản xuất pin mặt trời đã rẻ, đặc biệt là trong đại dịch Covid-19.
Đại dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới đã khiến ngành năng lượng sạch chịu tổn thất lớn. Chỉ tính riêng tại Mỹ, khoảng 106.000 nhân viên ngành năng lượng sạch, bao gồm người trong ngành năng suất năng lượng, năng lượng tái tạo và xe điện, mất việc làm. Khi dịch Covid-19 qua đi, thế giới lại đối mặt với vấn đề hệ trọng vốn vẫn đeo bám nhân loại suốt nhiều năm nay là biến đổi khí hậu. Ta sẽ cần nhiều trang trại điện mặt trời hơn để đảm bảo một tương lai sạch sau này.