Theo IEA, nhu cầu điện toàn cầu dự kiến tăng 4% trong năm nay và năm sau, cao hơn mức 2,5% của năm 2023. Đây là mức tăng trưởng hàng năm cao nhất kể từ năm 2007. Trong khi đó, nhiệt độ toàn cầu tăng cao kỷ lục và các đợt nắng nóng khắc nghiệt xảy ra thường xuyên làm gia tăng sử dụng thiết bị điều hòa không khí. Kết quả là, lưới điện đang bị áp lực phải duy trì nguồn cung cấp phụ tải từ các nguồn như than, bất chấp tác động đến môi trường.
Giám đốc phụ trách Thị trường và an ninh năng lượng IEA, ông Keisuke Sadamori, nhận định: “Tăng trưởng nhu cầu sử dụng điện toàn cầu trong năm nay và năm tới dự kiến sẽ ở mức nhanh nhất trong hai thập niên qua, làm nổi bật vai trò ngày càng tăng của điện trong nền kinh tế cũng như cho thấy rõ tác động của các đợt nắng nóng khắc nghiệt”. Nắng nóng gay gắt dự kiến khiến nhu cầu điện của Ấn Độ tăng 8% trong năm nay, Trung Quốc tăng 6%, châu Âu tăng 1,7%, Mỹ tăng 3%...
Ngoài ra, với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), nhu cầu điện dành cho các trung tâm dữ liệu ngày càng lớn. Để đáp ứng nhu cầu này, thủy điện, điện mặt trời, điện gió và những nguồn năng lượng tái tạo khác sẽ cung cấp 35% nguồn cung điện toàn cầu vào năm 2025, tăng so với mức 30% của năm 2023. Riêng năng lượng mặt trời sẽ đáp ứng một nửa tăng trưởng nhu cầu điện trong năm 2025, trong khi điện gió đóng góp thêm 25%. Tuy nhiên, IEA cũng cảnh báo sản xuất điện từ than đá vẫn chưa thể giảm do nhu cầu điện tăng cao. Mặc dù tỷ trọng năng lượng tái tạo đang trên đà tăng, song ông Sadamori thừa nhận tốc độ chuyển đổi hiện tại vẫn chưa đủ để đạt được các mục tiêu quốc tế về năng lượng và khí hậu.
IEA thường xuyên tiến hành đánh giá chính sách năng lượng của các quốc gia thành viên và đưa ra các khuyến nghị chính. Đây là một quá trình hỗ trợ phát triển chính sách năng lượng và khuyến khích trao đổi kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất. Cơ quan này khuyến nghị mở rộng hợp tác đối tác quốc tế trong các lĩnh vực chuyển đổi năng lượng sạch lấy con người làm trung tâm.