Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trước đó đưa ra dự báo cho biết, kinh tế toàn cầu dự kiến đạt 93.860 tỷ USD trong năm nay.
Lý giải cho dự báo của CEBR, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, dù xuất hiện biến thể Omicron nhưng các quốc gia trên thế giới sẽ không siết chặt các biện pháp hạn chế nhờ khả năng miễn dịch đã được cải thiện. Bên cạnh đó, nền kinh tế thế giới đang dần thích ứng hơn trong đại dịch, cũng đồng nghĩa với việc các biện pháp hạn chế, nếu được áp đặt trở lại, sẽ gây ít thiệt hại hơn so với trước đây. Thế giới được dự đoán sẽ có thể tiến về gần hơn với trạng thái bình thường trước đại dịch, người dân chi tiêu nhiều hơn, nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng.
Theo báo cáo trên, Trung Quốc đang trên đà chiếm vị trí của Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030. Viện Toàn cầu McKinsey cho biết, Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành quốc gia có giá trị tài sản ròng lớn nhất thế giới với tổng giá trị tài sản ròng trong năm 2020 là 120.000 tỷ USD. Trung Quốc chiếm 23% tổng số tài sản ròng thế giới, trong khi Mỹ là 17%, tiếp theo là Nhật Bản với 7%. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, tài sản ròng của Trung Quốc vượt Mỹ nhờ giá bất động sản và điều này thực sự không mang tính bền vững. Ấn Độ được dự báo sẽ vượt Pháp vào năm 2022, trong khi Anh sẽ giành lại vị trí là nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới vào năm 2023. CEBR cũng dự báo, Đức có thể vượt Nhật Bản về sản lượng công nghiệp vào năm 2033. Nga sẽ lọt vào tốp 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới vào năm 2036.
Hãng tin Bloomberg nhận định, việc tái cân bằng chi tiêu có thể thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu năm 2022 lên 5,1%, cao hơn so với dự báo trước đó là 4,7%. Tuy nhiên, lạm phát sẽ là vấn đề hàng đầu mà các nước cần phải giải quyết trong những năm tới.
Phó Chủ tịch CEBR Douglas McWilliams nêu rõ: “Vấn đề quan trọng đối với năm 2022 là cách đối phó lạm phát. Nếu không, thế giới sẽ phải gồng mình chống chọi với suy thoái vào năm 2023 hoặc năm 2024”.