Chiều 15-11, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức cuộc tọa đàm “Bảo vệ doanh nghiệp trước tin giả”.
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, dưới sự phát triển của mạng xã hội, thông tin giả khuếch trương, tác động rất kinh khủng đối với doanh nghiệp. “Chẳng hạn doanh nghiệp đang kinh doanh bình thường nhưng tự nhiên "một ngày đẹp trời", nơi nào đó đăng tin sản phẩm của họ ăn có thể bị ung thư. Ngay lập tức doanh nghiệp bị thiệt hại rất lớn. Một xu hướng điển hình nữa là chủ doanh nghiệp bị đồn bị bắt hoặc bị bệnh tật, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp rất lớn”, ông Đậu Anh Tuấn nói.
Thực tế, vì tin đồn, tin giả mà cổ phiếu của doanh nghiệp xuống giá, ngân hàng mà doanh nghiệp đang vay có thể đình trệ hợp đồng tín dụng, nhiều đối tác dừng hợp tác để làm rõ, “tin giả nhưng hậu quả rất thật”. Tin giả có thể làm cho một doanh nghiệp sụp đổ; thương hiệu bị ảnh hưởng, người lao động mất việc làm…
“Đây là vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn. Đã đến lúc chính quyền và các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc một cách tích cực”, đại diện VCCI nói.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Vũ Long, Quyền Tổng Giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, các tin giả, tin đồn đang ảnh hưởng rất nhiều đến các doanh nghiệp.
“Như chúng tôi là một doanh nghiệp niêm yết, lại kinh doanh trong lĩnh vực tài chính. Trong giai đoạn vừa qua, khi thị trường chứng khoán rất xấu thì bản thân VNDIRECT cũng chịu rất nhiều thông tin sai lệch, bao gồm thông tin về hoạt động kinh doanh, thông tin về hoạt động tư vấn cho khách hàng, các thông tin khác như Chủ tịch và Tổng Giám đốc VNDIRECT bị bắt… Những thông tin sai lệch đó ảnh hưởng đến niềm tin của khách hàng, ảnh hưởng đến uy tín với các đối tác, ví dụ như ngân hàng có thể dừng hạn mức của công ty chứng khoán, hay khách hàng chuyển hết tài khoản đi”, ông Nguyễn Vũ Long nói.
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT-TT cho biết, Trung tâm Xử lý tin giả của cục được thành lập vào tháng 4-2021, lúc cao điểm về chống dịch Covid-19. Đến nay, trung tâm đã tiếp nhận gần 5.000 tin giả gửi đến và phân loại xử lý, đóng dấu 50 tin giả.
“Có những tin không phải tin giả, nhưng là tin xúc phạm nhân phẩm, danh dự, những tin cạnh tranh giữa các doanh nghiệp thì chúng tôi chuyển đến những nơi khác để xử lý”, ông Lê Quang Tự Do cho hay. Hiện Bộ TT-TT cũng đề nghị Sở TT-TT tổ chức tiếp nhận những phản ánh của người dân ngay trên địa bàn của mình để dễ xác minh và xử lý. Ngoài số tổng đài hotline của Trung tâm Xử lý tin giả 1800.8108, cục cũng có tài khoản, fanpage trên Facebook để tiếp nhận và xử lý tin giả…
Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, ông Lê Quốc Vinh, chuyên gia truyền thông cho rằng, truyền thông phải đi trước một bước, tức là phải dự báo được câu chuyện gì, thông tin gì sẽ cần phải nói. “Thông tin gì không phải là bí mật của doanh nghiệp, tổ chức thì phải đưa lên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là các kênh truyền thông của chính doanh nghiệp như trên các trang điện tử, trang web, fanpage", ông Lê Quốc Vinh cho biết.
Ông Lê Quang Tự Do cho biết thêm, vấn đề này Thủ tướng, Chính phủ cũng rất quan tâm, giao Bộ TT-TT tổ chức hội nghị toàn quốc về truyền thông chính sách trong tháng 11 hoặc đầu tháng 12. Đồng thời, giao Bộ TT-TT tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực truyền thông chính sách cho các bộ ngành, địa phương.
“Doanh nghiệp cũng phải kết hợp với các cơ quan quản lý nhà nước để đấu tranh với các tin đồn, tin giả. Doanh nghiệp phải có bộ phận truyền thông về hoạt động của công ty và đính chính tin đồn ngày càng chuyên nghiệp hơn. Thực tế cho thấy, doanh nghiệp không chủ động, chỉ khi nào có khủng hoảng truyền thông thì mới bắt đầu đi xử lý, do vậy bị chậm. Do đó, phải có kế hoạch bài bản về truyền thông và luôn luôn phải đi trước 1 bước là dự báo, dự đoán vấn đề...”, ông Lê Quang Tự Do khuyến nghị.
Đơn cử như ngay sáng 15-11, có người dùng tính năng trên mạng xã hội để gửi thông điệp là doanh nghiệp này có trái phiếu rất lớn, lãnh đạo bỏ trốn rồi, lúc đó doanh nghiệp mới “tá hỏa” cung cấp thông tin, trong khi những thông tin đó doanh nghiệp có thể làm ngay từ đầu để ngăn chặn. Nếu chủ động thông tin thì giảm thiểu được những tin đồn rất nhiều.
Bộ TT-TT đang tham mưu Thủ tướng ban hành chỉ thị là tất cả các bộ, ngành, địa phương phải cùng tham gia quản lý thông tin trên không gian mạng với phương châm “đang quản lý lĩnh vực nào ở ngoài đời thực thì quản lý lĩnh vực đó trên không gian mạng”.
“Hiện nay, chỉ có Bộ TT-TT và Bộ Công an giải quyết trên môi trường mạng và thực sự chúng tôi không đủ sức, vì liên quan đến tất cả các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, trái phiếu… Chúng tôi không đủ khả năng để hiểu là thông tin đó đúng hay sai…”, ông Lê Quang Tự Do chia sẻ. Ông dẫn chứng, vừa qua rộ lên tin “thần y 3 đời khám chữa bệnh”, nhưng nếu Bộ Y tế không lên tiếng thì chắc chắn Bộ TT-TT không đủ sức để khẳng định "ông đó khám chữa bệnh như thế là đang vi phạm pháp luật". Do đó, việc cùng nhau quản lý trên không gian mạng hiện nay là nhu cầu cấp thiết.