Khi câu chuyện được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội, bác sĩ (BS) Võ Phạm Trọng Nhân, Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre) đã đi ngược dòng và chỉ ra hàng loạt vi phạm nghề nghiệp của vị “bác sĩ Trần Khoa”.
Theo BS Võ Phạm Trọng Nhân, ngành y có 1 quy ước, BS không trực tiếp phẫu thuật hay điều trị cho người thân vì tình cảm sẽ ảnh hưởng đến chuyên môn. Thứ 2, người BS phải dùng tất cả kiến thức, khả năng của mình cứu chữa bệnh nhân đến phút cuối cùng. Đó là quy định, bổn phận và đạo lý của thầy thuốc. Khác với một số nước, ở những phút cuối cùng, người nhà có quyền rút ống thở, chấm dứt đau đớn, hoặc có quy định về “cái chết nhân đạo”.
Những khái niệm trên hoàn toàn không được chấp nhận tại Việt Nam. Cuối cùng,“Trần Khoa là BS lão khoa, tại sao phẫu thuật cho sản phụ?”, BS Nhân đặt nghi vấn.
Sau 1 đêm, chuyện bi thương về vị BS hy sinh cha mẹ để cứu người, được vạch trần. Không có sự nhân đạo nào được tạo nên bởi hành vi vô nhân đạo. BS Võ Phạm Trọng Nhân bức xúc: “Nó vẽ ra một bức tranh thê lương rằng, y tế Việt Nam đang thiếu thốn cùng cực, đến mức BS phải rút ống thở của chính cha mẹ mình khi họ chưa chết. Trời ơi, phi lý quá!”
Sở Y tế, Công an TPHCM nhanh chóng vào cuộc và khẳng định nội dung trên là hư cấu, kịp thời ngăn chặn kẻ xấu lợi dụng gây hậu quả nghiêm trọng. Ngành y khẳng định, nhân viên y tế và người thân không được rút ống thở của bệnh nhân với bất kỳ lý do gì. Tất cả phải theo y lệnh, thậm chí, phải lập hội đồng chuyên môn.
Tin giả xuất hiện khi toàn bộ hệ thống chính trị đang quyết liệt chống dịch. Hàng chục ngàn nhân viên y tế đang xông pha khắp các mặt trận. Họ đặt gia đình, con cái ở phía sau. Sự hy sinh đó, đâu cần phải tô vẽ thêm, không có sự trân trọng nào xây đắp từ giá trị ảo.
Tháng 7-2021, Sở TT-TT TPHCM đã xử phạt hơn 230 triệu đồng đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm về cung cấp thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận hoặc gây hậu quả nghiêm trọng. Tin giả, tin độc, tin rác sẽ còn tồn tại nếu người dùng mạng xã hội còn thiếu tỉnh táo và chưa đặt trách nhiệm vào từng nút like (thích) hay chia sẻ.