Tín dụng xanh tiếp sức doanh nghiệp

Trong khi các nguồn vốn truyền thống thường bị kêu lãi suất cao, thì sự xuất hiện của tín dụng xanh được xem là kênh dẫn vốn mới cho nền kinh tế với ưu điểm là lãi suất thấp, sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng.

Hoạt động sản xuất tại một doanh nghiệp ở TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Hoạt động sản xuất tại một doanh nghiệp ở TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Đa dạng nguồn vốn

Hưởng ứng Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ, thời gian qua các ngân hàng thương mại (NHTM) đã đưa ra nhiều gói tín dụng xanh, các chương trình ưu đãi cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất xanh, dự án xanh, chuyển đổi xanh…

Sau gói tín dụng xanh 4.200 tỷ đồng dành riêng cho nhóm DN dệt chuyển dịch xanh, BIDV vừa triển khai gói tín dụng quy mô lên tới 10.000 tỷ đồng cho các DN đầu tư mới, mở rộng công trình xanh với lãi suất cho vay ưu đãi đến cuối năm 2024. VietinBank dành 5.000 tỷ đồng trong chương trình tài chính xanh Green UP để cấp vốn cho các dự án, phương án mang lại lợi ích cho cộng đồng và xã hội. TPBank cũng đang có gói tín dụng lên tới 5.000 tỷ đồng dành riêng cho DN có phương án, dự án xanh…

Nhằm đẩy mạnh tín dụng xanh, nhiều NHTM đã huy động được các nguồn vốn từ nước ngoài để có thêm nguồn vốn tài trợ cho các dự án tín dụng xanh. Tháng 8 vừa qua, BIDV và Cơ quan Phát triển Pháp tại Việt Nam (AFD Việt Nam) đã ký kết thỏa ước tín dụng hạn mức tín dụng khí hậu trị giá 50 triệu EUR để tài trợ cho các dự án giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Thời gian qua, SeABank cũng liên tục mở rộng hợp tác quốc tế để thu hút dòng vốn ngoại với tổng số tiền lên tới gần 850 triệu USD từ các tổ chức tài chính như IFC, DFC, AIIB, Norfund… Bà Lê Thu Thủy, Phó Chủ tịch HĐQT SeABank, chia sẻ, với sự hỗ trợ về tài chính, chuyên môn từ các đối tác quốc tế giàu kinh nghiệm, SeABank tập trung phát triển hệ thống tài chính xanh nhằm huy động nguồn tài trợ từ khu vực tư nhân cho các dự án môi trường vốn đòi hỏi nguồn vốn lớn và dài hạn.

SeABank cũng là ngân hàng đầu tiên phát hành trái phiếu xanh lam (các dự án liên quan đến biển) và xanh lá (dự án liên quan đến môi trường) cho các tổ chức tài chính quốc tế là IFC và AIIB với tổng giá trị lên tới 150 triệu USD. “Trái phiếu được phát hành cho danh mục đầu tư xanh lá và xanh lam có kỳ hạn dài hơn các trái phiếu thông thường, phù hợp với định hướng gia tăng nguồn vốn ổn định về trung và dài hạn của ngân hàng”, bà Lê Thu Thủy cho hay.

Trước đó, OCB cũng ký kết thỏa thuận với IFC, trong giai đoạn đầu, IFC sẽ giải ngân khoảng 150 triệu USD cho OCB, cho các DN đáp ứng tiêu chuẩn về tín dụng xanh vay với mức lãi suất thấp nhất...

Xanh hóa hoạt động ngân hàng

Bên cạnh đẩy mạnh tín dụng xanh, các NHTM đã và đang nỗ lực thực hiện tốt công tác phát triển ngân hàng theo hướng xanh hóa, bền vững. Theo Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2030, mục tiêu là đến năm 2025, có 100% ngân hàng xây dựng được quy định nội bộ và thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; áp dụng tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp tín dụng...

Trong tháng 9 vừa qua, ACB cũng đã công bố Khung Tài chính bền vững, đáp ứng được định hướng về tín dụng xanh của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Theo ông Ngô Tấn Long, Phó Tổng Giám đốc ACB, việc ban hành Khung Tài chính bền vững là mục tiêu trọng yếu của ACB trong chiến lược kinh doanh, phát triển các cơ hội mới trong lĩnh vực tài chính xanh mới nổi tại Việt Nam.

“Năm 2024, ACB chủ động cung cấp gói tín dụng 2.000 tỷ đồng cho các DN thuộc danh mục xanh, đến nay đã giải ngân khoảng 90%”, ông Long cho hay. Ông Võ Hoàng Hải, Phó Tổng Giám đốc Nam A Bank, cũng cho biết, Nam A Bank đã “xanh hóa” danh mục tín dụng, liên tục xây dựng thêm danh mục sản phẩm tín dụng xanh đa dạng. Đến nay, tín dụng xanh chiếm khoảng 10% quy mô tín dụng của Nam A Bank, đã giải ngân hơn 12.000 tỷ đồng với gần 10.000 khoản vay. Nam A Bank đặt mục tiêu đưa tỷ trọng tín dụng xanh lên 20-25%.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cho biết, hiện ngày càng nhiều tổ chức tín dụng thực hiện quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng và dần tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế trong hoạt động này. Trong tháng 8-2024, NHNN đã tiếp tục ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung Đề án Phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam.

Trong đó, yêu cầu phát triển ngân hàng xanh, tín dụng xanh không chỉ là nhiệm vụ của các NHTM mà là nhiệm vụ của tất cả tổ chức tín dụng, gồm cả tổ chức tín dụng phi ngân hàng như công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính và quỹ tín dụng nhân dân. Việc này giúp nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động của toàn hệ thống tổ chức tín dụng trong việc phát triển tín dụng xanh, thúc đẩy phát triển nền kinh tế bền vững.

Tin cùng chuyên mục