Việt Nam vừa kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN bằng một dấu son khi tổ chức thành công lễ ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực - RCEP, bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 5 nước mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do, gồm Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Đây chính là khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, được kỳ vọng thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình liên kết, nâng cao các chuỗi giá trị hàng hóa, dịch vụ, trong đó có các mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam như lúa gạo, thủy sản, trái cây…
Tiếp sau Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1-8-2020, RCEP đang mở ra một xa lộ mới cho nông sản Việt tiến sâu vào các thị trường. Song, cũng tạo ra nhiều thách thức và thúc ép cạnh tranh gay gắt. Siêu hiệp định RCEP với địa bàn chiếm hơn 2,2 tỷ dân, 30% tổng GDP toàn thế giới, tương đương khoảng 27.000 tỷ USD, tuy còn trải qua các thủ tục phê duyệt của từng nước tham gia, nhưng đây sẽ là thời gian vàng để nông sản Việt bước vào nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, thích ứng trước cơ hội và thách thức mới.
Cùng với yêu cầu cải cách thể chế, đổi mới công nghệ, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa nông sản, các dịch vụ kèm theo cũng như cam kết thực thi các quy định liên quan… thì nguồn vốn, dòng vốn, chất lượng tín dụng luôn là những đòi hỏi và là yêu cầu trong sản xuất, kinh doanh. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về tín dụng cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Các chuỗi liên kết về nông sản như trái cây, lúa gạo, cá tra được xây dựng và đạt một số kết quả bước đầu về nâng cao chất lượng, giá trị… Tuy nhiên, vốn đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh và chuỗi nông sản vẫn còn điểm nghẽn cần tháo gỡ kịp thời.
Trong khi các ngân hàng thương mại kêu “thừa vốn” sau thời gian giãn cách xã hội, thì rất nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân lại than “khát vốn”. Vừa qua có những bất cập về cho vay theo chuỗi giá trị nông sản như cá tra, tôm, lúa gạo, trái cây… dù tiếp cận đúng, nhưng chỉ mới giải quyết ở khâu “cung ứng” tín dụng dựa trên phương thức hợp đồng mà trách nhiệm thường quy về bên yếu thế là người nuôi, mà phần đông là nông dân hoặc doanh nghiệp siêu nhỏ. Khi xảy ra nợ nần, các tác nhân yếu thế này lãnh đủ. Cách tiếp cận này chỉ “sờ” đến một công đoạn sản xuất của chuỗi nông sản, đó là người nuôi, doanh nghiệp chế biến kiêm xuất khẩu. Phần quan trọng nhất đang ở một phân ngành khác trước công đoạn sản xuất, không thuộc về người làm nông nghiệp, như: vật tư, phân bón, thức ăn chăn nuôi… chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất. Điều đó lý giải vì sao người đi vay vẫn khát tiền, mà người cho vay vẫn đang thừa vốn.
Để khơi thông dòng vốn cho tam nông, cần xây dựng chuỗi tín dụng nông nghiệp 3 trong 1. Một là, tín dụng nông nghiệp phải được tiếp theo chuỗi giá trị nông sản thực chất. Lâu nay chúng ta đặt ra và bước đầu thực hiện có hiệu quả các hoạt động liên kết vùng, liên kết chuỗi sản phẩm nông sản chủ lực và dịch vụ nông nghiệp. Nay trước yêu cầu mới cần tiếp tục phát huy.
Hai là, dòng vốn tín dụng nông nghiệp phải có tiêu chí rõ ràng, công khai, minh bạch, dễ thực hiện từ hai phía. Phải có cơ chế hiệu quả đảm bảo an toàn dòng vốn, có quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, nhưng không phải là loại tín dụng chính sách, mà phải được vận hành theo cơ chế thị trường, quan hệ đối tác sòng phẳng. Các tiêu chí này xây dựng sao cho có độ co giãn linh hoạt, thích ứng trước những biến động của thị trường để không rơi vào xơ cứng hay lỏng lẻo. Ba là, tiêu chí tín dụng nông nghiệp cần công nghệ hữu dụng và linh hoạt trợ lực.
Muốn thực thi các tiêu chí trên có hiệu quả, phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu làm nông tích hợp được với dữ liệu các ngân hàng thương mại, để người cho vay quản lý được dòng vốn của mình tận đồng ruộng và các dạng bản đồ số hóa. Cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng mạng, các hệ sinh thái làm nền tảng cho hoạt động này. Đó cũng là cách tiếp cận lâu dài để tháo gỡ vướng mắc hiện tại của “kẻ thừa tiền và người thiếu tiền” đều kêu chưa gặp nhau hiện nay…