Một trong những vấn đề “nóng” mà các đại biểu đã phản ánh tại kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh Đồng Nai khóa IX diễn ra mới đây là việc nhiều đối tượng cho vay nặng lãi liên quan đến xã hội đen. Không chỉ len lỏi vào các KCN, tín dụng đen thời gian gần đây còn vươn vòi bạch tuột về vùng nông thôn.
Con trai của bà Nguyễn Thị Lớn (ngụ ấp 4, xã Xuân Hòa) là một trong những nạn nhân của hoạt động của tín dụng đen. Để trang trải cuộc sống, anh này đã vay tiền góp của một số đối tượng tại địa phương nhưng không có khả năng trả nên đã bỏ trốn. Tìm con nợ không được, những đối tượng cho vay đã tìm đến nhà bà Lớn đổ keo dán sắt vào khóa cửa ném gạch đá vào nhà rồi sau đó lúc đêm khuya ném mắm tôm và trứng vịt thối vào nhà khiến bà Lớn hết sức hoang mang.
Từ đầu năm đến nay, công an huyện Xuân Lộc đã phát hiện nhiều băng nhóm 3-6 người từ Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM, Đắk Lắk, Nam Định đến thuê phòng trọ để thực hiện việc cho vay tiền. Các đối tượng này cho người đi rải tờ rơi, tờ bướm với nội dung cho vay nhanh, vay không cần thế chấp, chỉ cần gọi điện thoại là có tiền rồi dán ở các trụ đèn, trụ điện, trên tường và khu vực công cộng hoặc rải ở các khu vực chợ ở ngã 3, ngã 4, trụ sở các cơ quan nhà nước. Hình thức là trả góp theo ngày, trong 40 ngày, lãi suất tương ứng 15%/tháng và 180%/năm, cá biệt có nhóm cho vay với lãi suất 300%/ năm. Có trường hợp các đối tượng đã hành hung người vay khi họ mất khả năng chi trả hoặc người vay tiền phải bỏ đi nơi khác để trốn nợ.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Công an tỉnh Đồng Nai đã triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ nhằm rà soát, có kế hoạch đấu tranh quyết liệt với đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi trên địa bàn. Đến nay, đã phát hiện 13 nhóm với 92 đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi.
Trong đó, tại TP Biên Hòa có 6 nhóm 43 đối tượng và 1 nhóm đóng tại xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom nhưng hoạt động tại TP Biên Hòa. Công an tỉnh đã xác lập một chuyên án đấu tranh với các băng nhóm tín dụng đen trên địa bàn, hiện đang thu thập củng cố chứng cứ để xử lý các đối tượng. Công an cũng đã bắt, xử lý 2 đối tượng của cơ sở cầm đồ Việt Tiến Lộc về hành vi giết người do gây ra vụ đòi nợ, đẩy nạn nhân xuống sông tại cầu Ghềnh.
Qua thực tế cho thấy, hoạt động cho vay lãi nặng trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp, tập trung tại các địa phương có nhiều KCN như TP Biên Hòa, các huyện Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Long Thành, Nhơn Trạch, Xuân Lộc và thị xã Long Khánh với các hành vi cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật. Các nhóm hoạt động rất kín kẽ, thường tạo vỏ bọc bằng các hình thức kinh doanh hợp pháp như lập các công ty cho vay tài chính, dịch vụ cho thuê xe ô tô, cầm đồ, kinh doanh game bắn cá... nên việc đấu tranh ngăn chặn hoạt động tín dụng đen gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, nhu cầu vay tiền để giải quyết việc đột xuất, vốn làm ăn trong dân rất lớn trong khi người vay không có tài sản thế chấp nên không thể vay ở các tổ chức tín dụng theo quy định, buộc phải vay tín dụng đen.
Liên quan đến vấn đề trên, Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, cho biết: Việc xử lý hình sự đối với các đối tượng này gặp nhiều khó khăn, phải mất nhiều thời gian chứng minh được việc thu lợi bất chính từ cho vay lãi nặng của đối tượng, nên chưa thể xử lý hình sự.