Tại hội thảo "Xóa sổ tín dụng đen bằng cách nào?" do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 30-11, Thượng tá Lê Vinh Tùng - Phó Phòng trọng án Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, cho biết, hiện tình hình tội phạm "tín dụng đen" diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn, chiêu trò đòi nợ. "Tín dụng đen" kéo nhiều hệ lụy với mục đích là chiếm đoạt tài sản.
Tội phạm "tín dụng đen" sử dụng các hình thức phổ biến: cho vay truyền thống, cho vay truyền thống kết hợp công nghệ và cho vay hoàn toàn qua công nghệ. Tuy nhiên gần đây, đã phát hiện thủ đoạn các đối tượng thành lập doanh nghiệp (công ty tài chính, doanh nghiệp, công ty luật) mua lại các khoản nợ xấu, nợ khó đòi sau đó gọi điện, nhắn tin đe dọa nhằm cưỡng đoạt tài sản.
Bên cạnh đó, tội phạm "tín dụng đen" sử dụng công nghệ cao, mạng xã hội hoặc tạo lập các app giả, nhái của ngân hàng, tổ chức tín dụng để dụ dỗ, mời chào vay tiền, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, sau đó sử dụng để nhắn tin, đe dọa, đòi nợ. Thậm chí, đối tượng lừa đảo yêu cầu người vay tiền đặt cọc, sau đó chiếm đoạt.
“Qua đấu tranh triệt phá tội phạm "tín dụng đen", cơ quan công an phát hiện các đối tượng người nước ngoài (Trung Quốc, Nam Phi, Nga, Latvia) đến Việt Nam thành lập, thu mua, thuê người đứng tên doanh nghiệp có chức năng cầm đồ, tư vấn, kinh doanh tài chính. Các đối tượng này tuyển dụng nhân viên để sử dụng các ứng dụng, website cho vay lãi nặng lên đến trên 1.000%/năm. Cục Cảnh sát hình sự tiếp tục tham mưu Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác phòng ngừa nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, xác minh, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng “đen", Thượng tá Tùng cho biết.
Theo luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, "tín dụng đen" hoành hành do việc vay vốn "tín dụng đen" rất dễ dàng. Hiện, thông tin cho vay không cần giấy tờ được dán quảng cáo khắp các cột điện, bảng hiệu. Bên cạnh đó, việc vay qua công nghệ chỉ cần có quyền truy cập vào danh bạ của người vay là được giải ngân. Do đó, theo Luật sư Trạch, giải pháp căn cơ xóa sổ "tín dụng đen" là điều kiện cho vay tiêu dùng tại ngân hàng, công ty tài chính phải thuận lợi để người dân tiếp cận được tín dụng tiêu dùng chính thức, tránh sa vào "tín dụng đen".
Để hạn chế "tín dụng đen", Thượng tá Lê Duy Sâm - Phó Phòng cảnh sát hình sự Công an TPHCM đề xuất, cần nâng cao mức xử phạt để đủ sức răn đe với loại tội phạm này. Vì hiện chế tài với tội cho vay lãi nặng còn quá nhẹ và chỉ có 2 khung: thu lợi bất chính từ 30 - 100 triệu và khung trên 100 triệu đồng. Theo đó, người thu nợ bất chính 100 triệu đồng nếu xử kịch khung thì cũng chỉ bị tối đa 3 năm tù, trong khi người thu nợ bất chính hàng chục tỷ đồng thậm chí trăm tỷ đồng cũng chỉ bị tối đa 3 năm tù.
Để ngăn chặn tình trạng "tín dụng đen" bùng phát, nhất là dịp cuối năm, Thượng tá Lê Vinh Tùng cũng đề nghị thường xuyên tuyên truyền phòng ngừa "tín dụng đen" tại nơi công cộng, khu dân cư, trường học, khu công nghiệp, nơi tập trung đông công nhân, người lao động, trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên không gian mạng qua các phương tiện điện tử với nhiều hình thức sinh động, đa dạng, dễ tiếp cận đến người dân gắn với các vụ án, vụ việc cụ thể. Đồng thời, tiếp tục huy động hệ thống chính trị vào cuộc phát hiện, xóa, bóc gỡ, tháo dỡ tờ rơi, biển quảng cáo liên quan đến hoạt động "tín dụng đen".
Nhiều ý kiến cho rằng, để xóa sổ "tín dụng đen", ngoài những giải pháp trên, cần kịp thời giải quyết vấn đề an sinh xã hội, hỗ trợ việc làm, tạo sinh kế cho người dân gặp khó khăn để họ không bị dính vào "tín dụng đen". Bởi lẽ, nhu cầu của người dân về vay tiêu dùng để mua sắm cũng như trang trải khi ốm đau, bệnh tật… là rất lớn.
Tạm giữ hình sự đối tượng cho vay nặng lãi 120%/năm
Chiều 30-11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Huế cho biết, đang tạm giữ hình sự đối với với Nguyễn Thị Mỹ Trang, sinh năm 1974, trú tại phường Thuận Hòa, thành phố Huế, có hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Thông tin ban đầu, tháng 8-2022, Trang cho anh N.Đ.T., sinh năm 1983, trú tại thành phố Huế vay 30.000.000 đồng, trả góp mỗi ngày 600.000 đồng, trả trong vòng 60 ngày.
Với cách thức cho vay trên, trong khoảng thời gian từ tháng 8-2022 đến tháng 11-2023, Trang cho anh T. vay 8 lần, trong đó, nhiều lần lên đến 100 triệu đồng.
Một trường hợp khác, vào khoảng tháng 4-2023 đến tháng 11-2023, Trang nhiều lần cho anh H.V.V., sinh năm 1959, trú tại thành phố Huế vay lãi nặng để thu lợi bất chính.
Qua công tác nghiệp vụ, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an thành phố Huế nắm được vụ việc, tiến hành xác minh, điều tra và làm rõ. Tổng số tiền Trang cho anh T. và anh V. vay là 425 triệu đồng, lãi suất từ 120% đến 121,67%/ năm, thu lợi bất chính gần 50 triệu đồng.
Hiện, cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án và xử lý các đối tượng liên quan theo quy định pháp luật.