Tín dụng đang khó tăng trưởng

Nếu như vào những tháng cuối năm ngoái và đầu năm nay, nhiều doanh nghiệp “khóc ròng” vì khó tiếp cận nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng để xoay xở kinh doanh dù lãi suất cao, thì câu chuyện từ cuối quý 2-2023 đến nay đã khác.

Mặc dù các ngân hàng đã nhiều lần hạ lãi suất cho vay nhưng rất nhiều doanh nghiệp không mặn mà, bởi không biết sẽ sử dụng vốn vay vào đâu cho hiệu quả.

Tại hội thảo về tăng khả năng hấp thụ vốn cho các doanh nghiệp do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 22-8 tại Hà Nội, đại diện Ngân hàng Nhà nước thừa nhận, năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế suy yếu là nguyên nhân chính khiến tín dụng khó tăng trưởng. Điều này tác động tiêu cực đến cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp.

Hiện nhiều ngân hàng thương mại “đỏ mắt” tìm doanh nghiệp vay vốn nhưng rất ít doanh nghiệp dám vay và đủ điều kiện để vay. Tình trạng “ế tiền” đã dẫn đến tăng trưởng tín dụng của các nhà băng không được như kỳ vọng. Ghi nhận của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tín dụng chỉ mới có tín hiệu tăng trở lại từ tháng 6 và sang đến cuối tháng 7, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 4,6%, giảm đáng kể so với cùng thời điểm năm 2022 (mức tăng là 9,54%). Điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp đang rất hạn chế.

Với thực tế hiện nay, nếu không tạo điều kiện cho tín dụng thì sẽ khó có tăng trưởng. Nhưng nếu “tháo” điều kiện tăng trưởng tín dụng thì nợ xấu tăng lên, khiến “cục máu đông” nợ xấu vừa mới tạm thời được xử lý lại quay trở lại. Nếu nợ xấu tăng, các ngân hàng lại rơi vào vòng luẩn quẩn, tạo ra ách tắc vốn cho nền kinh tế. Các ngân hàng đang đứng giữa “hai dòng nước” khi vừa phải đảm bảo an toàn nợ xấu và vừa phải chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp cùng vượt qua khó khăn.

Phía các doanh nghiệp cũng có “nỗi khổ riêng”. Hiện đã xuất hiện tình trạng các doanh nghiệp dù đang thiếu vốn nhưng lại ngại vay vốn. Thậm chí, có những doanh nghiệp được duyệt các khoản vay hỗ trợ, ưu đãi với lãi suất thấp nhưng lại xin trả lại vốn vay vì chưa biết… đầu tư vào đâu. Sở dĩ xuất hiện tình trạng trên là do, khi các doanh nghiệp chưa kịp phục hồi hoàn toàn sau đại dịch Covid-19 thì lại bị ảnh hưởng tiêu cực của suy giảm kinh tế trên phạm vi toàn cầu, nên nhu cầu vay vốn và khả năng hấp thụ vốn giảm sút. Mặc dù các chỉ số kinh tế trong nước đang diễn biến tích cực (xuất khẩu tháng 7-2023 tăng 2,1% so với tháng 6-2023, Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng 3,9%...), song do tác động khó khăn trước đó cộng hưởng, nên nhìn chung những thách thức đối với các doanh nghiệp vẫn còn lớn. Điều này khiến doanh nghiệp trở nên dè dặt hơn trong việc vay vốn để mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh.

Các thách thức lớn hiện nay được xác định vẫn là thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính trong giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Vì vậy, bên cạnh việc thực hiện các giải pháp về chính sách tiền tệ, đòi hỏi cần có những chính sách khác hỗ trợ đi kèm, như chính sách tài khóa cần linh hoạt và kịp thời hơn, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, làm bệ đỡ cho tăng trưởng để san sẻ bớt gánh nặng cho các ngân hàng, nhất là khi nền kinh tế còn phụ thuộc vào kênh tín dụng.

Tin cùng chuyên mục