Bản báo cáo nhấn mạnh, mặc dù tiêu dùng trong nước vẫn mạnh, nhưng tăng trưởng tín dụng chậm lại, phản ánh nhu cầu tín dụng yếu.
“Triển vọng thắt chặt hơn nữa các điều kiện tài chính toàn cầu đòi hỏi việc quản lý ngoại hối phải linh hoạt để thích ứng với các điều kiện bên ngoài. Đẩy nhanh giải ngân đầu tư công có thể hỗ trợ tổng cầu và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, đồng thời đảm bảo đầu tư vào nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng xanh và có khả năng phục hồi để giúp thúc đẩy phát triển kinh tế trong dài hạn”, định chế tài chính này nhìn nhận.
Cụ thể, tăng trưởng tín dụng ước tính đã giảm xuống 9,2% (so với cùng kỳ) vào tháng 4 - 2023, từ mức 9,9% (so với cùng kỳ) vào tháng 3 và 12,2% (so với cùng kỳ) vào tháng 2, mức thấp nhất trong những năm gần đây.
Đáng lưu ý là tín dụng chững lại bất chấp việc nới lỏng chính sách và cắt giảm lãi suất cho vay của Ngân hàng Nhà nước trong tháng 3 và thanh khoản thị trường dồi dào, phản ánh khả năng hấp thụ yếu của nền kinh tế.
Củng cố thêm nhận định này, tổng kim ngạch nhập khẩu giảm mạnh trong tháng 4 so với một năm trước đó, bao gồm thiết bị điện tử và linh kiện máy tính (-19,6%), điện thoại thông minh (-64,4%), và máy móc (-15,3%).
Điều này phản ánh sự suy yếu nhu cầu của nền kinh tế Hoa Kỳ và EU, hai thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam (giảm tương ứng 22,1% và 14,1% so với cùng kỳ) trong 4 tháng đầu năm 2023.
Những bất ổn toàn cầu cũng ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư. Cam kết đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 3,4 tỷ USD vào tháng 4 - 2023, tăng 46% so với tháng 3. Tuy nhiên, vốn FDI cam kết lũy kế 4 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 8,8 tỷ USD, thấp hơn 17,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh đó, ngân sách ghi nhận mức thặng dư nhỏ với cân đối chỉ đạt mức thặng dư 160 triệu USD trong tháng 4. Thu ngân sách giảm 24,7% (so với cùng kỳ năm trước) vào tháng 4 - 2023.