Đó là thông tin được đưa ra từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM vào sáng 18-12, chủ yếu là tín dụng trung dài hạn (chiếm khoảng 96%).
Trong đó, tín dụng cho vay với mục đích để sử dụng, tiêu dùng (mua nhà để ở, mua thuê mua, chuyển quyền sử dụng đất và xây nhà để ở, vay để sửa chữa nhà ở….) chiếm tỷ trọng cao nhất, hơn 70% trong tổng dư nợ tín dụng bất động sản và là sản phẩm cho vay chính của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn. Lĩnh vực này có tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian qua và gắn liền với diễn biến của thị trường bất động sản.
Bên cạnh đó, tín dụng bất động sản cho phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh thương mại dịch vụ như phát triển hạ tầng khu chế xuất, khu công nghiệp; phát triển cao ốc văn phòng; phát triển bất động sản du lịch dịch vụ cũng có xu hướng tăng trưởng tốt. Cụ thể, dư nợ cho vay Khu chế xuất- Khu công nghiệp trong 10 tháng đầu năm cũng đạt 52.000 tỷ đồng, chiếm 5% tổng dư nợ tín dụng bất động sản và tăng 28,7% so với cuối năm 2023.
Ngoài ra, tín dụng bất động sản tại TPHCM còn thực hiện nhiệm vụ phát triển nhà ở xã hội. Đến nay, trên địa bàn TPHCM có 6 dự án nhà ở xã hội được công bố, trong đó, các TCTD đã cho vay 3 dự án với tổng dư nợ khoảng 729 tỷ đồng. Trong đó, dự án xây nhà ở cho công nhân thuê tại cụm công nghiệp thuộc TP Thủ Đức được cho vay từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng là 170,1 tỷ đồng . Hai dự án còn lại vay vốn thông thường tại các NHTM, song với lãi suất thấp, vì vậy không chuyển sang vay gói 120.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM cho biết, 10 năm trở lại đây, mặc dù vốn tín dụng luôn được định hướng để tập trung và đáp ứng nhu cầu cho phát triển sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ với các chính sách tín dụng ưu đãi cho các nhóm ngành là động lực tăng trưởng kinh tế, song dư nợ cho vay bất động sản vẫn tăng trưởng đều trong 10 năm qua.
“Trong bối cảnh vốn tín dụng ngân hàng vẫn đang giữ vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội nói chung và thị trường bất động sản nói riêng thì việc khai thác và sử dụng hiệu quả vốn tín dụng có ý nghĩa quan trọng”, ông Lệnh nhận xét.