Thời gian gần đây, liên tục có tin đồn về thiên tai lan tràn trên mạng xã hội, gây hoang mang cho người dân. Từ tin đồn ngày 18-9 bão đã vào miền Trung (trong khi thực tế lúc đó tâm bão còn ngoài khơi xa), đến tin đồn miền Nam sắp ngập lụt lớn, hoặc tin đồn vỡ đê ở nhiều địa phương. Tất cả đều khiến dư luận không khỏi lo lắng.
Sau khi xuất hiện tin đồn bão đã đổ bộ vào miền Trung, chiều 18-9, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia đã phải lên tiếng cảnh báo trên trang Facebook của mình về một loạt thông tin sai lệch. Thực tế, tâm bão khi ấy vẫn nằm ngoài quần đảo Hoàng Sa, chưa hề tiến gần đất liền.
Ở phía Nam, trước đó cũng có tin đồn sai thực tế. Sau khi cơn bão số 3 đổ bộ vào miền Bắc, tin đồn lũ lụt sắp xảy ra ở TPHCM và các tỉnh Nam bộ bắt đầu lan truyền trên mạng xã hội. Dù chỉ có một đợt mưa lớn từ ngày 14-9 đến ngày 18-9 do gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, nhưng những tin đồn này khiến nhiều người hoang mang. Sau đó, Đài Khí tượng - thủy văn khu vực Nam bộ khẳng định, tình hình mưa đã giảm dần và không có nguy cơ lụt lớn như tin đồn.
Tin đồn sai, với sức lan tỏa nhanh chóng, có thể gây ra tác hại không lường trước. Khi người dân mất dần niềm tin vào các nguồn tin không được kiểm chứng thì sẽ càng khó kiểm soát tin đồn hơn. Trong bối cảnh thiên tai, nếu tin tưởng vào những lời đồn thổi thì không chỉ gây hại tới cộng đồng mà còn làm gián đoạn công tác cứu trợ và ứng phó. Để tránh những tình huống không đáng có, điều quan trọng nhất là người dân cần cảnh giác, chỉ theo dõi thông tin từ các kênh chính thống. Chính quyền và các cơ quan chức năng cần mạnh tay xử lý cá nhân, tổ chức tung tin thất thiệt. Những biện pháp này sẽ góp phần ngăn chặn sự lan rộng của tin đồn nguy hại và bảo đảm an toàn cho người dân trong những thời điểm khẩn cấp.
Cân bằng giữa việc cung cấp thông tin chính xác và giữ cho cộng đồng luôn cảnh giác với thiên tai là chìa khóa để đảm bảo an toàn, hiệu quả trong công tác phòng chống thiên tai. Cơ quan chức năng cần cung cấp thông tin rõ ràng và cập nhật thường xuyên, giúp người dân nhận thức rõ hơn về tình hình thực tế, biết được những gì đang xảy ra. Người dân cần được trang bị kỹ năng phân tích để nhận diện các nguồn tin đáng tin cậy và tránh xa các thông tin sai lệch.