Tín chỉ carbon - Giải pháp khôi phục rừng Tây Nguyên - Bài 1: “Mỏ vàng” chưa được đánh thức

LTS: Tây Nguyên có hơn 2,57 triệu ha rừng, chiếm 17,5% diện tích rừng cả nước; tỷ lệ che phủ rừng toàn khu vực đạt 45,94%. Nhiều năm qua, các địa phương đã triển khai một số giải pháp để khôi phục rừng nhưng kết quả chưa như kỳ vọng. Theo các chuyên gia ngành lâm nghiệp, để khôi phục rừng Tây Nguyên cần tháo gỡ bài toán kinh tế từ rừng. Trong đó, việc đánh thức tiềm năng tín chỉ carbon là một trong những nguồn lợi kinh tế lớn, giải quyết các khó khăn cho ngành lâm nghiệp.

Sau khi Chính Phủ chính thức đóng cửa rừng, nhiều công ty lâm nghiệp, chủ rừng rơi vào tình cảnh khó khăn vì chưa giải quyết được bài toán kinh tế từ rừng. Với diện tích rừng hiện có, việc xây dựng tín chỉ carbon là đánh thức “mỏ vàng” từ tài nguyên thiên nhiên mà những chủ rừng đang mong mỏi khai quật.

X1a.jpg
Những khu rừng thông như “lá phổi” xanh bao bọc TP Đà Lạt. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

"Kho" lưu trữ carbon

Lâm Đồng là một trong những địa phương có tỷ lệ che phủ rừng tới 54,37% toàn tỉnh (năm 2023) với 537.696ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên là 454.674ha, diện tích rừng trồng đã thành rừng là 77.157ha, còn lại hơn 6.137 rừng trồng chưa thành rừng. Di chuyển dọc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ từ những khu vực tiếp giáp giữa Lâm Đồng với các địa phương Đồng Nai, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đắk Nông, có thể dễ dàng thấy những khu rừng nguyên sinh, rừng lá kim, rừng tre với mật độ che phủ lớn.

Đặc biệt, từ năm 2004, sau khi Khu bảo tồn thiên nhiên Bidoup - Núi Bà được chuyển thành Vườn quốc gia (VQG) Bidoup - Núi Bà, bảo vệ tài nguyên rừng và bảo tồn đa dạng sinh học là một trong những chương trình trọng tâm. Ông Lê Văn Hương, Giám đốc Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, cho biết, với diện tích gần 70.000ha, ở vị trí trung tâm của vùng rừng tự nhiên nguyên sinh rộng lớn cao nguyên Langbiang, VQG Bidoup - Núi Bà được đánh giá là một trong những khu vực có tầm quan trọng hàng đầu trong bảo tồn các mẫu chuẩn hệ sinh thái quốc gia. Cũng nhờ hệ sinh thái rừng khá nguyên vẹn, chủ yếu rừng nguyên sinh, nên đây là khu vực có nhiều tiềm năng sẵn sàng thực hiện và tham gia thị trường carbon.

Xuôi theo quốc lộ 27 về VQG Tà Đùng (tỉnh Đắk Nông), dọc tuyến quốc lộ là những dãy rừng nguyên sinh trập trùng, nhiều loại gỗ quý đan xen nhau. Ông Khương Thanh Long, Giám đốc VQG Tà Đùng, cho biết, vườn có tổng diện tích tự nhiên khoảng 21.000ha, có tỷ lệ che phủ hơn 85% diện tích vùng lõi (rừng nguyên sinh hơn 48% và hơn 36% rừng thứ sinh các loại). Với diện tích rừng tự nhiên lớn, VQG Tà Đùng được đánh giá là kho lưu trữ carbon lớn.

Giáo sư Bảo Huy, chuyên gia tư vấn về quản lý tài nguyên và môi trường rừng, thông tin, mỗi tín chỉ carbon rừng đại diện cho việc giảm hoặc loại bỏ một tấn carbon dioxide hoặc tương đương trong các khí nhà kính khác (CO2e). Tùy theo đặc thù từng kiểu rừng, trạng thái mà có khả năng tích lũy carbon khác nhau. Rừng Tây Nguyên hiện nay được đánh giá là có khả năng phục hồi, sinh trưởng nhanh nên sẽ tích lũy lượng lớn trữ lượng carbon và dự đoán sẽ mang lại nguồn lợi không nhỏ cho chủ rừng nếu hình thành được tín chỉ carbon và thương mại hóa.

Tương tự, ngược về phía Bắc Tây Nguyên cũng có thể thấy nhiều cánh rừng nguyên sinh xanh thẳm, nhất là VQG Chư Mom Ray (tỉnh Kon Tum) có khoảng trên 58.000ha rừng, trong đó rừng đặc dụng là 56.000ha. Ông Đào Xuân Thủy, Giám đốc VQG Chư Mom Ray, cho hay, trong phương án quản lý rừng bền vững của vườn, giai đoạn 2021-2030, diện tích đơn vị đang quản lý có trữ lượng khoảng 3 triệu tín chỉ carbon. Nếu bán được số tín chỉ này sẽ mang lại nguồn thu lớn, bền vững để tái đầu tư cho hoạt động quản lý, bảo vệ rừng.

Nhiều kỳ vọng

Nhìn về cánh rừng xanh thẳm, Giám đốc VQG Chư Mom Ray chia sẻ, tín chỉ carbon hiện còn khá mới mẻ, các văn bản hướng dẫn chi tiết để thực hiện vẫn chưa có. Đã có doanh nghiệp đặt vấn đề với tỉnh về chủ trương hợp tác đầu tư vốn với các ban quản lý rừng, phát triển rừng trồng bền vững trên diện tích đất trống; lập tín chỉ carbon rừng trồng, rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Đơn vị mong muốn dự án có thể triển khai để tăng nguồn thu bền vững. Trong thời gian tới, vườn dự kiến triển khai dự án điều tra đánh giá trữ lượng tín chỉ carbon để sau này nếu có người mua, làm cơ sở trao đổi, hợp tác.

X5a.jpg
Lực lượng kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Đôn cùng người dân tuần tra rừng. Ảnh: MAI CƯỜNG

Cùng quan điểm, ông Trương Quốc Dụng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Krông Pa, tỉnh Gia Lai cho biết, diện tích rừng trên địa bàn có thể thu được tín chỉ carbon là 70.000ha. Nếu bán được tín chỉ carbon này, đây là sẽ nguồn thu lớn để hỗ trợ công tác quản lý bảo vệ rừng. Vì thế, các chủ rừng đang háo hức dự án tín chỉ carbon sẽ thành hiện thực để họ có thêm nguồn lực bảo vệ rừng.

Theo ông Đinh Văn Dũng, Bí thư Huyện ủy Chư Prông, tỉnh Gia Lai, diện tích rừng trên địa bàn huyện là khoảng 60.000ha, tập trung dọc các tuyến biên giới Campuchia. Đa phần, diện tích rừng đang triển khai giao khoán đến từng hộ gia đình. Nếu bán được tín chỉ carbon, rừng sẽ được bảo vệ tốt, sẽ tạo môi trường xanh, giữ được nguồn nước, kéo theo không khí trong lành, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, du lịch. Người dân được hưởng lợi khi được nâng cao đời sống, góp phần bảo vệ bình yên biên giới. Do đó, mong muốn UBND tỉnh, các bộ, ngành sớm rà soát, thống kê các diện tích rừng để xây dựng lộ trình bán tín chỉ carbon, nhằm mang lại lợi ích cho người dân, cho công tác quản lý bảo vệ rừng.

Tín chỉ carbon rừng được xác định từ lượng CO2 được tạo ra từ hoạt động giảm phát thải khí nhà kính thông qua các hoạt động chống mất rừng, suy thoái rừng; quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn, nâng cao trữ lượng carbon rừng. Chủ rừng có thể quy đổi diện tích rừng đang quản lý, bảo vệ ra lượng hấp thụ khí CO2, ra tín chỉ carbon và có thể bán tín chỉ này.

Tin cùng chuyên mục