Khơi thông lại các nguồn lực
Tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào các điều kiện về chính sách và môi trường. Năm 2021, TPHCM có nhiều cơ hội tăng trưởng vì kinh tế thế giới đang trên đà phục hồi tốt, nhờ vậy đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp tăng cao. Đồng thời, xung đột thương mại của một số nước lớn như Mỹ với Trung Quốc, khủng hoảng chính trị ở Myanmar thúc đẩy đơn hàng dịch chuyển sang Việt Nam khá nhiều. Dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng đang chọn TPHCM là điểm đến hấp dẫn. Tuy nhiên, doanh nghiệp không sản xuất được, dòng vốn không đến như dự kiến bởi ảnh hưởng của đợt dịch kéo dài.
Muốn kinh tế phát triển thì quản lý nhà nước phải không gây cản trở lưu thông nguồn lực và giữ gìn kỷ cương hoạt động của các thị trường. Đồng thời, tích cực sửa chữa các khuyết tật thị trường do các chủ thể tự do theo đuổi lợi ích chính đáng tạo ra.
Hiện nay, biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đang bùng phát ở một số nước trên thế giới, dự đoán sẽ nhanh chóng lan ra nhiều nước và tình hình dịch bệnh càng diễn biến phức tạp hơn. Cho dù thế nào, cần nhất quán nguyên tắc “thích ứng an toàn với dịch”, hạn chế tối đa việc cản trở lưu thông nguồn lực. Theo đó, tăng cường vaccine mũi 3, kiểm soát từ nguồn, trao quyền chủ động kiểm soát dịch cho người dân và doanh nghiệp, thành lập các lực lượng hỗ trợ điều trị lưu động, tăng cường kiến thức y tế cộng đồng, sử dụng công nghệ số hiệu quả cho công tác kiểm soát dịch.
Chính sách kiểm soát dịch cần ổn định, lâu dài
Việc tuyên bố chính sách kiểm soát dịch ổn định lâu dài là rất quan trọng trong việc tạo ra xung lực mới cho phát triển kinh tế, xã hội. Bởi vì, chính sách là môi trường hoạt động của người dân, là môi trường kinh doanh của doanh nghiệp. Dựa vào chính sách, người dân, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch hoạt động, kinh doanh cho tương lai với cách làm phù hợp. Khi chính sách kiểm soát dịch ổn định, người dân và doanh nghiệp dễ dàng sáng tạo cách làm mới, phù hợp với bối cảnh dịch bệnh còn tiếp diễn.
Khi tuyên bố chính sách kiểm soát dịch rõ ràng, tin chắc người dân và doanh nghiệp sẽ sáng tạo cách làm phù hợp để thích nghi với bối cảnh dịch bệnh còn tiếp diễn. Đây chính là xung lực mới cho phát triển, không có gì mang lại giá trị cao bằng sự sáng tạo. Muốn thúc đẩy người dân, doanh nghiệp sáng tạo thì chính quyền cần tạo sự ổn định về chính sách để tạo niềm tin và giúp họ giảm rủi ro khi sáng tạo.
Để phát triển đạt được mục tiêu, cần 2 lực: lực đẩy và lực kéo cho doanh nghiệp. Tốc độ đẩy phát triển còn phụ thuộc vào tình trạng “sức khỏe” của mỗi doanh nghiệp. Đợt dịch vừa qua, có rất nhiều doanh nghiệp lớn gặp thua lỗ, nợ xấu, chi phí cố định lớn. Do vậy, cần tích cực triển khai các biện pháp giúp doanh nghiệp vượt khó. Đặc biệt là các biện pháp giãn nợ, khoanh nợ để doanh nghiệp có cơ hội khôi phục. Đồng thời, giảm thiểu các chi phí cố định liên quan đến các khoản thuế, phí cố định…
Các chính sách này Chính phủ đã ban hành, cần được triển khai các giải pháp thực hiện nhanh chóng, giúp doanh nghiệp sớm tiếp cận. Giúp doanh nghiệp vượt khó là cách giúp cho “động cơ” doanh nghiệp thuận lợi di chuyển. Để đi nhanh, cần tạo ra lực kéo về phía cầu. Các biện pháp kích cầu cần được áp dụng nhanh và sớm. Trước hết, đẩy nhanh tốc độ đầu tư công để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuộc các ngành khác nhau tham gia. Cùng với đó, các biện pháp kích cầu tiêu dùng cá nhân cần được đẩy mạnh thông qua tích cực triển khai các biện pháp giảm thuế giá trị gia tăng và bình thường hóa các hoạt động mua sắm theo hướng đảm bảo an toàn.
Quan tâm thị trường xuất khẩu
Doanh nghiệp TPHCM sản xuất hàng xuất khẩu khá nhiều, đây là thị trường cần quan tâm nhất để kéo doanh nghiệp phát triển. Các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa xuất khẩu là ưu tiên hàng đầu hiện nay. Thành phố cần đẩy mạnh cải cách thủ tục xuất khẩu theo hướng số hóa. Chẳng hạn như tập huấn doanh nghiệp các thủ tục C/O điện tử vào các thị trường quốc tế EU, UK, RCEP…; các thủ tục về bảo lãnh thanh toán ứng dụng trên toàn cầu.
Doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế của TPHCM những năm gần đây, cũng như thời gian tới. Để thu hút FDI, TPHCM cần chuẩn bị sẵn quỹ đất và cơ sở hạ tầng phục vụ cho doanh nghiệp sản xuất. Hiện nay, thành phố còn một số quỹ đất đang có ý định quy hoạch thành các khu/cụm công nghiệp, nhưng tiến độ thực hiện còn rất chậm, làm mất cơ hội thu hút FDI. Tích cực đẩy nhanh các dự án hạ tầng công nghiệp không những tạo tiềm lực tăng trưởng cho tương lai, mà còn tạo được nhu cầu cho phát triển doanh nghiệp ở hiện tại.
Bên cạnh các biện pháp kích cầu để kéo doanh nghiệp phát triển, cần triển khai các biện pháp thúc đẩy. Trước hết, cần tập trung các biện pháp giảm thiểu chi phí sản xuất và chi phí giao dịch cho doanh nghiệp. Việc đơn giản nhất trong tầm tay của chính quyền là số hóa tất cả thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động của người dân, doanh nghiệp một cách đồng bộ và liên thông giữa các ngành. Khi đồng bộ và liên thông các ngành thì sẽ hạn chế chi phí giao dịch cho doanh nghiệp, người dân.
Doanh nghiệp và người dân hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh còn tiếp diễn sẽ phát sinh thêm các chi phí liên quan về kiểm soát dịch. Thị trường cung cấp thiết bị, thuốc men và dịch vụ y tế phòng, kiểm soát dịch dễ xảy ra tình trạng trục lợi. Do vậy, cần quản lý kỷ cương đối với thị trường này để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tối thiểu chi phí.
Vấn đề chỗ ở cho người lao động là nỗi lo của nhiều doanh nghiệp. Dù Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở cho công nhân, nhưng đây là chương trình lâu dài. Việc cần làm trước mắt là mỗi phường, mỗi khu phố phải rà soát lại các khu nhà trọ trên địa bàn, có biện pháp thúc đẩy hoặc hỗ trợ các chủ nhà trọ cải tạo khang trang và đảm bảo an toàn cho người lao động thuê. Khi người lao động an toàn thì doanh nghiệp sẽ an toàn, lao động an tâm làm việc thì sẽ sáng tạo, góp phần tạo ra xung lực mới cho doanh nghiệp phát triển, đóng góp tích cực cho thành phố phát triển. |