Các địa phương nói trên hội tụ các phương thức vận tải về hàng hải, hàng không, đường sắt, nhưng chưa kết hợp với nhau. Tại khu vực này, Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) hiện là một trong 21 cảng của các châu lục tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất thế giới.
Mỗi ngày, các xe tải lớn từ các tỉnh, thành muốn đến cảng để bốc hàng, đều phải lưu thông trên quốc lộ 51. Gần 10 năm qua, mật độ giao thông trên tuyến này đã vượt xa công suất thiết kế. Quốc lộ 51 theo thiết kế ban đầu có công suất 12.000 lượt xe/ngày đêm; đến năm 2021, công suất đã tăng lên gấp 3 lần. Trong dịp nghỉ Tết Dương lịch 2022, trung bình mỗi ngày có gần 50.000 lượt xe qua trạm T2 (tỉnh Đồng Nai). Với tầm quan trọng là vậy, việc đầu tư các tuyến để “chia lửa” cho quốc lộ 51 là cần kíp!
Để thực hiện được các dự án hạ tầng liên vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cần tháo gỡ cơ chế PPP (đối tác công tư). Dù tư nhân đóng góp được 30% hay 40% trong vốn đầu tư cũng là tốt, còn hơn là Nhà nước làm toàn bộ. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có nhiều công trình hạ tầng phải thực hiện theo hình thức PPP, vậy nên cần thiết phải đề xuất để Quốc hội tháo gỡ. Lâu nay, giữa các địa phương chưa có tính liên vùng, như vậy cần thành lập một quỹ đầu tư toàn vùng về hạ tầng, do một hội đồng quản trị cầm trịch, từ đó huy động các nguồn vốn từ Nhà nước đến tư nhân, cũng như để thu hút các nguồn vốn đầu tư khác.