Đang triển khai… nghiên cứu
Theo Bộ GTVT, dự án đường sắt TPHCM - Cần Thơ được bộ giao cho Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư, bước đầu lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Đến nay, đơn vị tư vấn đã cơ bản hoàn thành dự thảo báo cáo giữa kỳ. Để đảm bảo trình tự, thủ tục và cơ sở pháp lý trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, Bộ GTVT đang xin ý kiến chính quyền các tỉnh, thành phố có tuyến đường sắt đi qua.
Tại dự thảo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt TPHCM - Cần Thơ, Ban Quản lý dự án đường sắt đề xuất phương án tổ chức vận tải tàu khách và tàu hàng, trong đó, tàu hàng sẽ được tổ chức từ ga Tân Kiên và ga An Bình đến ga Cần Thơ; tàu khách được tổ chức từ ga Tân Kiên và ga Bình Triệu đến ga Cần Thơ; đồng thời tổ chức một số đoàn tàu ngoại ô từ ga Tân Kiên đến ga Tam Hiệp. Về phương án đầu tư, theo Kết luận số 49-KL/TW ngày 28-2-2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ sẽ đầu tư bằng phương thức đối tác công - tư (PPP). Do đó, trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án, đơn vị tư vấn nghiên cứu đề xuất đầu tư dự án theo hình thức PPP.
Cụ thể, Nhà nước chịu trách nhiệm thanh toán tiền giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư PPP huy động vốn xây dựng hạ tầng, thử nghiệm và bàn giao lại cho Nhà nước. Nhà đầu tư sẽ thành lập Công ty CP Vận tải đường sắt TPHCM - Cần Thơ để đầu tư phương tiện, tổ chức vận hành khai thác, bảo dưỡng hạ tầng, phương tiện và trả phí thuê cơ sở hạ tầng cho công ty đầu tư và quản lý hạ tầng đường sắt của Nhà nước…
Theo ông Hoàng Minh Trí, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, để đồng bộ, Bộ GTVT, Bộ Xây dựng, Bộ TN-MT và các bộ ngành liên quan nên ngồi lại với các địa phương tổng rà soát các quy hoạch giao thông, phát triển đô thị, phát triển kinh tế - xã hội. Để từ đó có thể xây dựng kế hoạch khai thác quỹ đất, tạo vốn làm đường sắt kết hợp phát triển đô thị, kinh tế một cách hiệu quả. Nên chăng, các địa phương cử cán bộ cùng bộ ngành lập ban quản lý đầu tư đường sắt cho toàn khu vực, sẽ giúp các dự án được triển khai nhanh hơn.
Cùng với dự án đường sắt TPHCM - Cần Thơ, tuyến đường sắt Thủ Thiêm (TPHCM) - Long Thành (Đồng Nai) cũng được kiến nghị ưu tiên nghiên cứu đầu tư. Tuyến đường sắt này dài khoảng 38km, điểm đầu tại ga Thủ Thiêm và điểm cuối là sân bay quốc tế Long Thành.
Dự kiến, tổng mức đầu tư của dự án khoảng 40.500 tỷ đồng. Ngoài ra, tuyến đường sắt TPHCM - Tây Ninh (dự kiến kéo dài tới cửa khẩu Mộc Bài) và tuyến TPHCM - Lộc Ninh (Bình Phước) cũng đang được nghiên cứu.
Theo tính toán bước đầu, tuyến đường sắt TPHCM - Tây Ninh dài khoảng 140km sẽ kết nối với đường sắt TPHCM - Cần Thơ tại ga Tân Chánh Hiệp (quận 12, TPHCM) và kết nối liên vận quốc tế với đường sắt Campuchia. Tuyến đường sắt TPHCM - Lộc Ninh khoảng 128km, điểm đầu kết nối với đường sắt Thống Nhất tại ga Dĩ An (Bình Dương) và kết thúc tại cửa khẩu quốc tế Hoa Lư (Bình Phước).
Tạo cơ chế để tìm vốn
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy, dự án đường sắt TPHCM - Cần Thơ với tổng mức đầu tư dự kiến 213.948 tỷ đồng (khoảng 9,07 tỷ USD) là dự án quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia. Vì vậy cần nghiên cứu kỹ lưỡng và đánh giá đầy đủ các yếu tố theo quy định của pháp luật về đầu tư công, đầu tư theo phương thức PPP.
Trước đó, năm 2018, Viện Khoa học và công nghệ Phương Nam đã có nghiên cứu cho rằng dự án hoàn toàn khả thi nếu có cơ chế thích hợp thu hút nguồn vốn tư nhân, có thể là hình thức BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao). Tuy nhiên, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư PPP và Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư PPP hiện không có hình thức đầu tư BT.
Ông Vũ Hồng Phương, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt, cho biết, trong quá trình nghiên cứu dự án, ban quản lý đã chỉ đạo tư vấn nghiên cứu phương án tuyến kết nối TOD (Transit Oriented Development - lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị) để các địa phương định hướng phát triển giao thông, kinh tế - xã hội. Từ kinh nghiệm phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới, hướng nghiên cứu này là khả quan nhằm tạo nguồn lực đầu tư.
Đoàn tàu rời ga Sài Gòn di chuyển cắt ngang đường Đỗ Thị Lời, phường 11, quận 3. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Mới đây, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, trong đó có khơi thông các dự án đầu tư theo hình thức BT trên địa bàn thành phố. Các chuyên gia cho rằng, đây là cơ hội mới cho việc triển khai dự án đường sắt TPHCM - Cần Thơ.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Hồng Phương, do dự án có tổng mức đầu tư rất lớn, nếu thực hiện theo hình thức BT sẽ cần quỹ đất sử dụng lớn ở nhiều tỉnh, thành, có thể ảnh hưởng đến quy hoạch sử dụng đất của các địa phương. Do đó, sắp tới, Ban Quản lý dự án đường sắt sẽ chỉ đạo tư vấn tiếp tục nghiên cứu kỹ việc thực hiện theo hình thức BT và phương án đầu tư theo các hình thức khác để báo cáo cấp thẩm quyền xem xét.
Ông Vũ Hồng Phương cũng cho rằng, để thực hiện đầu tư dự án theo hình thức BT như đề xuất của Viện Khoa học và công nghệ Phương Nam, ngoài quy định pháp luật cần có sự thống nhất của các địa phương nơi dự án đi qua để đề xuất cơ chế đặc thù đến cấp có thẩm quyền xem xét, cho phép áp dụng làm cơ sở tổ chức thực hiện dự án. Ban Quản lý dự án đường sắt đang tập trung hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, dự kiến sẽ trình thẩm định năm 2024, trình Quốc hội trong năm 2025 xem xét thông qua chủ trương đầu tư.
Nghiên cứu tuyến đường sắt Bàu Bàng - Cái Mép
Tại Thông báo số 96/TP-VPCP ngày 4-4-2022, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương giao UBND tỉnh Bình Dương chủ trì, phối hợp Bộ GTVT lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tuyến đường sắt Bàu Bàng - Cái Mép, gồm 3 đoạn: Bàu Bàng - An Bình (TP Dĩ An), An Bình - Phước Tân (TP Biên Hòa) và Phước Tân - Cái Mép.
Hiện, tỉnh Bình Dương đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh phối hợp các sở ngành nghiên cứu, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt từ huyện Bàu Bàng đến TP Dĩ An.
Đoạn từ huyện Bàu Bàng - TP Dĩ An dài 41,65km, tổng đầu tư dự kiến 34.300 tỷ đồng, gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: thực hiện giải phóng mặt bằng khoảng 9.500 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách; giai đoạn 2: đầu tư hệ thống đường ray và nhà ga, kinh phí khoảng 24.800 tỷ đồng bằng vốn ODA hoặc phương thức PPP.
Ông Trần Hùng Việt, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương, chia sẻ, nếu được đầu tư, đưa vào sử dụng các tuyến đường sắt hiện đại trên địa bàn sẽ tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là giảm ùn tắc giao thông tại các tuyến trọng điểm, cửa ngõ ra vào tỉnh và từ các khu công nghiệp đến cảng hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Hiện, ban đang nghiên cứu, khái toán tổng vốn để kêu gọi đầu tư, phối hợp ngành chức năng nghiên cứu quỹ đất công, quỹ đất dọc tuyến đường sắt và tại vị trí quy hoạch ga hàng hóa, hành khách để tính toán khai thác, tạo nguồn vốn phù hợp để đầu tư.
Theo ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, để tạo nguồn vốn thực hiện các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, trong đó có các tuyến đường sắt, tỉnh đã kiến nghị Thủ tướng cho phép tỉnh áp dụng trần mức dư nợ vay của ngân sách địa phương như TPHCM và Hà Nội (không vượt quá 60% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp; các địa phương khác không được vượt quá 30%). Khi đó, dự kiến mức trần dư nợ của tỉnh khoảng 12.000 tỷ đồng, là cơ sở, điều kiện để tỉnh thực hiện thủ tục phát hành trái phiếu chính quyền địa phương.
Tỉnh Bình Dương cũng kiến nghị cho phép tạm ứng nguồn cải cách tiền lương còn dư của tỉnh (dự kiến khoảng 10.000 tỷ đồng) để đầu tư, phát triển hạ tầng.
XUÂN TRUNG