Giải tỏa stress
Biết đến bộ môn trekking từ cuối năm 2023 khi đang chuẩn bị cho kế hoạch du lịch tại TP Pleiku (Gia Lai) cùng bạn, Hoàng Vân (23 tuổi, nhân viên marketing tại TPHCM) tình cờ thấy các bài đăng về hoạt động trekking và cắm trại do một cá nhân đứng ra tổ chức. Sau khi tìm hiểu, Vân đã quyết định thử sức với cột mốc trekking đầu tiên của mình - núi Chư Nâm (Gia Lai). Chi phí trekking núi Chư Nâm theo Hoàng Vân cho biết chưa tới 1 triệu đồng. Trong đó, bao gồm cắm trại một đêm tại đỉnh núi, bữa tối là cơm nhà của anh hướng dẫn viên người bản địa mang theo, bữa sáng mì ly và cà phê đặc sản của miền đất Tây Nguyên.
Ba tháng sau, Hoàng Vân lại xách vali lên và cùng một nhóm bạn trekking thác K50 nằm ở khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, K’Bang, Gia Lai. Hoàng Vân chia sẻ: “Yếu tố để tôi quyết định đi trekking là do stress về công việc, muốn có những trải nghiệm mới, tận hưởng không khí và sự mát lành của thiên nhiên”. Chuyến đi đưa Vân rời xa khỏi khói bụi thành phố và có cơ hội được đặt chân đến nơi mà những người bản địa thân thiện và hiếu khách như người trong gia đình. Đây còn là cơ duyên giúp Vân làm quen thêm những người anh hoạt động trong ngành du lịch mà theo Vân cảm nhận là “thật sự nâng niu và trân quý vùng đất thiên nhiên nơi họ lớn lên”.
Sau những chuyến đi và trở lại với công việc thường nhật, Hoàng Vân cảm thấy dồi dào năng lượng và nhiệt huyết hơn. “Mỗi khi đuối sức, tôi sẽ nhớ lại về lần trekking đầu tiên - khi mà dù chân đã mỏi, cơ thể đã ở trạng thái muốn dừng lại, nội tâm và tinh thần bên trong mình vẫn có thể bền bỉ và cứng rắn để từng chút một leo lên đỉnh núi”, Hoàng Vân tâm sự.
Để lại dấu chân và lấy đi bức ảnh
Công việc và học tập khiến người trẻ chịu không ít áp lực. Họ tìm đến trekking như tìm đến một liệu pháp chữa lành, một cuộc vui để phục hồi lại năng lượng. Như với Cao Xuân Thiện (21 tuổi, sinh viên Trường Đại học Văn Lang, đã đi được khoảng 8 chuyến trekking), ở mỗi chuyến đi Thiện đều ghi lại khung cảnh tuyệt đẹp bằng cách chụp thật nhiều ảnh và hạnh phúc sau khi xem lại những bức ảnh đó. “Trekking giúp tôi giảm căng thẳng, thư giãn tinh thần, khám phá bản thân nghĩ về cuộc sống. Những lúc hòa mình với thiên nhiên, tôi cảm thấy rằng dễ dàng kết nối với bản thân và nghe tiếng lòng của mình”, Xuân Thiện chia sẻ và cho biết, trước đây bạn thường xuyên mất ngủ, nhưng sau những chuyến trekking, sức khỏe Thiện được cải thiện rõ rệt. Không những thế, các chuyến đi cũng giúp bạn nâng cao ý thức về môi trường. Với mỗi chuyến đi, bạn cùng các thành viên trong nhóm đều mang theo dụng cụ để nhặt rác trên cung đường và đem xuống chân núi.
Nâng cao sức khỏe và gắn kết với thiên nhiên cũng chính là hai điểm đặc trưng của trekking. Bắt đầu biết đến bộ môn này từ năm 2015, Lê Quốc Bảo (đang sinh sống và làm việc ở TPHCM) hiện được xem là một hướng dẫn viên giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực trekking. Bảo cho biết, người mới tham gia thường sẽ gặp khó khăn vì thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm và thiếu trải nghiệm. Họ thường khó vượt qua khỏi vùng an toàn trong chính suy nghĩ của họ. Ở trải nghiệm trekking đầu tiên, dù trước đó có chuẩn bị sức khỏe như tập chạy bộ, tập gym..., nhưng mới chỉ leo nửa hành trình chinh phục núi Chư Nâm, Hoàng Vân đã kiệt sức. Khi đó, những câu cổ vũ dễ thương của người dẫn đoàn là động lực rất lớn để các thành viên hoàn thành được hành trình. Đó cũng là kinh nghiệm để Hoàng Vân sau này áp dụng, giúp các bạn trẻ vượt qua khỏi vùng an toàn trong chính suy nghĩ của họ.
Ngoài ra, khi thiết kế các tour trekking, anh Quốc Bảo thường chú trọng việc kết nối với thiên nhiên. Trong đó, điều cơ bản nhất là ý thức bảo vệ môi trường. Là loại hình du lịch “nương” vào tự nhiên, để tiếp tục duy trì và “thụ hưởng” khung cảnh thiên nhiên hoang sơ hùng vĩ, đòi hỏi người khai thác phải biết giữ gìn và bảo vệ. Trong các tour trekking, người tham gia đều được “dặn dò’’ về việc không xả rác, không săn bắt, không chặt phá, hay có bất kỳ hành động nào ảnh hưởng đến môi trường. Thêm vào đó, để chuẩn bị cho người tham gia đặt chân đến một nơi hoàn toàn mới, phía cung cấp tour cũng trang bị trước những kiến thức, kỹ năng cần thiết, cũng như khuyến khích người tham gia tìm hiểu thêm về nơi mình sắp trải nghiệm. Những điều này đều nhằm mục đích mang lại cho người tham gia một trải nghiệm tốt và an toàn.