Sinh ra ở miền Tây, nơi có những phong tục, lễ nghi từ xa xưa vẫn còn được lưu truyền đến tận ngày nay, cộng thêm trong quá trình nghiên cứu tìm hiểu, Tính nhận ra có rất nhiều nét đẹp trong văn hóa truyền thống mà không phải bạn trẻ nào cũng biết. Với mong muốn quảng bá nhiều hơn về nét đẹp ấy, vào tháng 2-2017, Lương Hoài Trọng Tính thành lập trang “Đại Nam hội quán”.
Những ngày đầu, Lương Hoài Trọng Tính cần mẫn viết bài, sưu tầm tư liệu về nhiều lĩnh vực rồi đăng tải lên trang. Cách tiếp cận của Tính không quá hàn lâm mà sinh động, mới mẻ, nhờ vậy nhanh chóng nhận được sự quan tâm của các bạn trẻ. Sau vài tháng, lượng người quan tâm bắt đầu tăng lên. Đặc biệt, sau 1 năm, Tính đã không phải hoạt động một mình mà có thêm các thành viên khác góp mặt vào dự án như Nguyễn Hữu Kiệm, Lê Hoàng Phúc, Lâm Chấn Cương. Đến nay, trang Đại Nam hội quán có gần 48.000 người theo dõi. Nhóm hiện có khoảng 15 thành viên, trong đó có 10 người hoạt động thường xuyên. Các thành viên của Đại Nam hội quán có công việc và độ tuổi khác nhau, nhỏ nhất là em Khẩu Cao Nhật Phúc, học sinh lớp 12 ở quận 7, TPHCM.
Theo chia sẻ của Tính, ngay từ khi có ý tưởng thành lập, anh đã xác định lộ trình cho nhóm: 2 năm đầu xây dựng nền tảng trên online, bắt đầu từ năm thứ 2 sẽ đẩy mạnh hoạt động thông qua các chương trình giao lưu trực tiếp. Từ năm 2019, nhóm đã tổ chức nhiều buổi nói chuyện, nhiều chương trình chia sẻ công phu như: Lễ nghi đám cưới Nam bộ xưa, Đờn ca hồi đó, Nói tới cái áo dài, Kể chuyện ông trăng. Đặc biệt, chương trình Nói về tết miền Nam diễn ra vào cuối năm 2019 đã gây được thiện cảm lớn. Trong những buổi biểu diễn này, người tham gia sẽ được cùng hòa mình vào không gian văn hóa, được chơi, được trải nghiệm một cách trực tiếp nhất.
Sang năm 2020, do biến động của dịch Covid-19 nên các chương trình của nhóm phải dừng lại, chủ yếu hoạt động trên online thông qua trang Đại Nam hội quán. Đầu tháng 1 năm nay, nhóm tham gia sự kiện văn hóa Tóc xanh vạt áo diễn ra tại Trường Đại học KHXH-NV TPHCM. Đây được xem là ngày hội Việt phục dành cho những người trẻ, mỗi nhóm tham gia có một gian hàng để trưng bày các đặc trưng của mỗi nhóm. Riêng Đại Nam hội quán trưng bày các hiện vật liên quan đến văn hóa truyền thống như quần áo, không gian nhà xưa, đồ cổ…
Lương Hoài Trọng Tính cho biết, có những chương trình chủ yếu là hòa vốn, một vài chương trình thì lỗ. Tuy nhiên, hiện tại nhóm đang hoạt động theo cách thức các thành viên cùng góp công góp của, việc theo đuổi Đại Nam hội quán xuất phát từ đam mê nên chưa đặt nặng tính thương mại. “Những chương trình của chúng tôi mang giá trị tinh thần là chủ yếu. Trước hết, chúng tôi muốn tạo ra một sân chơi cho những người đồng điệu, có cùng đam mê văn hóa truyền thống. Ngoài ra, khi làm chương trình này, nếu có những bạn trẻ tham dự, có nghĩa là chúng tôi đang làm cầu nối để giúp họ cảm thấy yêu nền văn hóa nước nhà nhiều hơn. Đây mới là niềm vui lớn của chúng tôi”, Lương Hoài Trọng Tính chia sẻ.