Nối dài tình yêu sử Việt
Sau tiểu thuyết Hỏa dực gây ấn tượng với bạn đọc vào năm 2020, đầu năm nay, tác giả Thành Châu vừa mắt tập truyện ngắn Thánh Dực diễn nghĩa (Sbooks và NXB Văn học). 4 truyện ngắn trong tập là những lát cắt về cuộc đời của 4 nhân vật trong lịch sử: Lý Long Tường, Võ Tánh, danh tướng Trần Bình Trọng và nữ tướng Bùi Thị Xuân.
Trong đó, hấp dẫn nhất là Thánh Dực diễn nghĩa, một truyện ngắn đầy dụng công, đã tái hiện lên sự uy dũng của đội quân Thánh Dực trong cuộc chiến bảo vệ lãnh thổ thời nhà Trần dưới sự dẫn dắt của danh tướng Trần Bình Trọng.
Đọc Thánh Dực diễn nghĩa, nhà văn Võ Thị Xuân Hà cho rằng, không hoàn toàn bám theo tư liệu nhưng trên cơ sở tư liệu có thật, Thành Châu đã phát triển theo hướng nhân bản nhất của con người, xoay quanh các mối quan hệ tình yêu, tình cảm gia đình, quan hệ anh em, đồng chí.
“Điểm mạnh của tác giả là khả năng miêu tả những trận đánh lớn, rộng, có thể thấy được sự tìm tòi, vận dụng trí tưởng tượng, óc sáng tạo dựa trên các dữ liệu trong chính sử và dã sử khi đọc”, nhà văn Võ Thị Xuân Hà chia sẻ.
Được biết đến qua một số tác phẩm dành cho thiếu nhi lẫn người lớn như: Cuộc phiêu lưu của Ỉn Hồng; Ma tình; Chuyện tình mình rất khác; Hàng xóm phù thủy… mới đây, tác giả Đào Thu Hà vừa ra mắt tập truyện Mây khói vàng son (Tri Thức Trẻ Books và NXB Hội Nhà văn).
Tác phẩm gồm 10 truyện ngắn, đa phần điểm nhìn là những người phụ nữ trong lịch sử như: nữ tướng Xuân Nương, Lý Chiêu Hoàng, Thuận Thiên, Dương Vân Nga, công chúa Huyền Trân… Họ hiện lên với những nỗi niềm, tâm tư gắn với góc khuất, chìm nổi của thời cuộc lẫn cuộc đời mình.
Một tác phẩm cũng được giới chuyên môn đánh giá cao là tiểu thuyết Nắng Thổ Tang (Tao Đàn và NXB Hội Nhà văn) của tác giả Đinh Phương. Đây cũng là tác phẩm đã được trao giải Tác giả trẻ lần 1 của Hội Nhà văn Việt Nam vừa qua.
Ngoài ra, có thể kể đến tập truyện ngắn Sông núi chưa già của Phương Uyên, tiểu thuyết Sương khói Đông Kinh của Min Woo. Đây chính là sự nối dài tình yêu với sử Việt mà trước đó, nhiều tác giả trẻ đã thử sức và ít nhiều ghi được dấu ấn cho mình như Nguyễn Thị Kim Hòa, Trần Thị Tú Ngọc, Trường An, Trần Quỳnh Nga, Phạm Thúy Quỳnh, Lê Vũ Trường Giang...
Vượt qua áp lực
Trên bình diện chung, không nhiều đơn vị mặn mà với sáng tác của tác giả trẻ, nhất là về lịch sử. Chính vì vậy, việc ra đời tủ sách “Một dòng lịch sử - Vạn câu chuyện đời” của Tri Thức Trẻ Books được xem là tín hiệu đáng mừng với tác giả trẻ. Bên cạnh các tác giả đã có tuổi đời lẫn tuổi nghề như Nguyễn Trọng Tân, Phù Ninh, Đỗ Hàn… tủ sách còn trao cơ hội cho tác giả trẻ đam mê với đề tài lịch sử.
Theo bà Nghiêm Thị Trinh, Phó Giám đốc Tri Thức Trẻ Books, khi thành lập tủ sách, đơn vị này mong muốn hướng đến tác giả trẻ để hỗ trợ, giúp đỡ cũng như khuyến khích họ có thể phát triển bút lực của mình. “Thông qua những tiểu thuyết hay tập truyện ngắn từ tác giả trẻ, chúng tôi cũng mong muốn truyền cảm hứng yêu thích lịch sử, tìm hiểu lịch sử Việt Nam đến với độc giả trẻ”, bà Nghiêm Thị Trinh cho biết.
Là tác phẩm thứ hai viết về lịch sử, áp lực lớn nhất của Thành Châu là làm sao vượt qua được tác phẩm đầu tay và tìm điểm đột phá trong quá trình sáng tác. “Tôi cố gắng duy trì đam mê sáng tác bằng cách viết mỗi ngày, thử nghiệm nhiều thể loại từ tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, kịch bản. Đam mê dễ nhạt, nhưng khi đã hình thành thói quen thì sẽ khó phai”, Thành Châu chia sẻ.
Tốt nghiệp khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH-NV TPHCM năm 2010, đây được xem là lợi thế của tác giả Đào Thu Hà, tuy nhiên chị cũng gặp áp lực không nhỏ. Theo chị, nếu viết thuần sử sẽ khô khan, không thu hút độc giả nhưng nếu sáng tạo, hư cấu quá dễ bị xa rời lịch sử và gây những tranh cãi trái chiều.
“Vì vậy, khi viết tôi phải tiết chế, làm sao vừa tôn trọng lịch sử, dựa vào thông tin trong chính sử vừa thể hiện được góc nhìn mới để không trùng lặp với người khác”, Đào Thu Hà bày tỏ.
“Nhiều tác giả trẻ mong muốn thử sức với đề tài lịch sử nhưng độ hiểu biết, độ trải nghiệm chưa được sâu. Viết về lịch sử, nhân vật lịch sử rất quan trọng, dù mình có hình dung, hư cấu thì vẫn phải dựa trên nền tảng nhất định của nhân vật trong tiến trình lịch sử đó. Tác giả trẻ nên cẩn trọng, cảm thấy mình vô cùng muốn viết, thực sự đam mê về vấn đề đó thì hãy đặt bút viết”, nhà văn Võ Thị Xuân Hà chia sẻ. |