Trách nhiệm từ trường sư phạm
Sáng 1-12, tại buổi tọa đàm “Bạo hành trẻ mầm non - Vì đâu nên nỗi?” do Trường Đại học Sài Gòn (TPHCM) phối hợp với Báo Tiền phong tổ chức. TS Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao, Trưởng khoa Giáo dục mầm non, Trường Đại học Sài Gòn, cho biết bạo hành ở trường mầm non không phải gần đây mới xuất hiện. Chỉ là trước đây chúng ta chưa có đủ phương tiện, điều kiện để phát hiện; nhiều trường hợp trẻ bị bạo hành nhưng không dám về nói với ba mẹ hoặc phụ huynh cho rằng không đủ bằng chứng tố cáo hành vi của cô giáo.
Trước thực tế đó, TS Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao cho rằng ngoài nguyên nhân đến từ việc giám sát hoạt động lỏng lẻo của cơ quan chức năng còn do phụ huynh và giáo viên thiếu kiến thức về bạo hành. Có trường hợp trẻ giật mình, khóc đêm nhiều lần nhưng gia đình chỉ nghĩ do biến động tâm lý lứa tuổi, không tìm hiểu, lắng nghe tiếng nói thật sự của con. Ở góc độ khác, nhiều giáo viên cho rằng chỉ cần họ không đánh trẻ, không để lại thương tật, chỉ la mắng, quát tháo là không phải bạo hành. Song trên thực tế, “những lời dọa nạt, la mắng cũng là một dạng bạo hành về tinh thần, có thể để lại ảnh hưởng tâm lý lâu dài, khiến trẻ mất tự tin, dễ rơi vào trạng thái hung hăng, gây khó khăn trong học tập”, TS Quỳnh Dao bày tỏ.
Hiện nay, chương trình đào tạo cử nhân chuyên ngành giáo dục mầm non cho sinh viên xuống trường làm quen, tiếp xúc với trẻ mầm non từ năm học thứ 3, tức gần kết thúc quá trình học tập. Theo đánh giá của nhiều cán bộ quản lý, điều này là hơi muộn, khiến sinh viên không có cơ hội tự nhìn lại mình có phù hợp với nghề giữ trẻ hay không. Thêm vào đó, chương trình đào tạo ở các trường sư phạm hiện nay mới chú trọng đến kiến thức, kỹ năng mà bỏ qua yếu tố đào tạo con người, tính cần thiết của rèn luyện đạo đức sư phạm.
TS Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao phân tích, ở hoàn cảnh làm việc bình thường, hầu hết giáo viên mầm non đều yêu trẻ. Tuy nhiên, khi rơi vào trạng thái quá áp lực (thành tích, chỉ tiêu đặt ra của ban giám hiệu, sự kỳ vọng, yêu cầu thái quá của phụ huynh…) mà không biết cách giải tỏa sẽ dẫn đến một số hành động bộc phát trong vô thức như hành hạ người khác, có lời lẽ, hành vi thiếu chuẩn mực.
Từ thực tế đó, nhiều ý kiến đề nghị các trường sư phạm cần tái cấu trúc lại chương trình đào tạo, phải làm sao để có sự sàng lọc, tránh lãng phí thời gian cho sinh viên. Bên cạnh đó, từ năm học 2016-2017 đến nay, một số trường sư phạm đã bổ sung thêm học phần mới là đào tạo kỹ năng quản lý cảm xúc cho giáo viên. Tuy nhiên để kiến thức này đạt hiệu quả, chính các trường mầm non - đơn vị quản lý và sử dụng lao động phải quan tâm nhiều hơn đến đời sống, sức khỏe tinh thần của giáo viên, tránh để các cô bị stress hoặc rơi vào trạng thái tâm lý bị khủng hoảng.
Phụ huynh không đứng ngoài cuộc
Theo luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM, mỗi năm ở Việt Nam xảy ra từ 3.000 - 4.000 vụ trẻ em bị bạo hành. Tuy nhiên, sau mỗi vụ việc hệ thống quản lý nhà nước chỉ xử lý ở phần ngọn mà bỏ qua điều trị tận gốc rễ.
“Ngay đề xuất lắp đặt camera theo dõi ở các trường mầm non, tôi cho là cần thiết nhưng vấn đề đặt ra là cơ quan nào sẽ quản lý, ai là người chịu trách nhiệm giám sát, theo dõi. Đừng để sau khi sự việc đau lòng xảy ra như trường hợp một học sinh nữ ở quận Thủ Đức bị giáo viên xâm hại tại trường học mới đây, những người có trách nhiệm đổ lỗi đã lắp camera theo dõi nhưng thiết bị hư hỏng ngay đúng thời điểm xảy ra vụ việc”. Thêm vào đó, trong một số vụ trẻ bị bạo hành diễn ra thời gian gần đây, sau khi báo chí phanh phui, cơ quan chức năng vào cuộc nhưng sự việc không được giải quyết đến nơi đến chốn do tâm lý của phụ huynh “ngại đi lên đi xuống gặp công an”.
Bên cạnh đó, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ nêu ý kiến, quy định pháp luật hiện nay là nạn nhân phải có giấy chứng nhận thương tật từ 11% trở lên vụ án mới được khởi tố tội “cố ý gây thương tích”. Tuy nhiên, “trong một số trường hợp nạn nhân là trẻ em hoặc phụ nữ, kẻ phạm tội có dấu hiệu lặp đi lặp lại hành vi nhiều lần, đối với nhiều người vào cùng thời điểm cần được xem là tình tiết tăng nặng để khởi tố vụ án”, đại diện Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM bày tỏ.
Theo các nhà nghiên cứu giáo dục, 3 thời điểm dễ xảy ra bạo hành nhất ở trường mầm non là giờ ăn trưa (trẻ ngậm, không chịu xúc ăn, làm rơi vãi thức ăn, không ăn hết suất…), giờ học (trẻ không nghe lời cô, không tuân thủ kỷ luật của lớp học) và giờ chơi (giành đồ chơi với bạn…). Tuy nhiên, khi phát hiện dấu hiệu bất thường trên cơ thể hoặc biểu hiện hành vi của con phụ huynh nên bình tĩnh, không nên đặt những câu hỏi trực tiếp như “Con bị cô đánh phải không?” khiến trẻ càng tỏ ra sợ hãi.
Thay vào đó, phụ huynh nên nhẹ nhàng tìm hiểu, chịu khó lắng nghe kết hợp với việc quan sát biểu hiện, hành vi cụ thể của trẻ để phân biệt đâu là dấu hiệu của bạo hành, đâu là phản ứng tâm lý thông thường của trẻ. Chỉ khi có sự phối hợp tốt giữa gia đình và nhà trường trên tinh thần tôn trọng, biết lắng nghe và chia sẻ, bạo hành ở trường mầm non mới được điều trị dứt điểm.