Từ lâu, vấn đề cân đo giữa quy hoạch và “đầu ra” đã được đặt lên bàn của các cơ quan quản lý, các chuyên gia chính sách lẫn người trong cuộc. Từ nhiều năm qua, Chính phủ cũng đã xác định, xuất khẩu là giải pháp hiệu quả nhất vừa để tránh dư thừa, vừa thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao giá trị cho hàng hóa mà nông dân và doanh nghiệp làm ra; đồng thời giao Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương có trách nhiệm tìm đầu ra cho nông sản.
Nhưng trên thực tế, có ý kiến cho rằng vấn đề tìm thị trường cho nông sản lâu nay chủ yếu vẫn đang trút gánh nặng cho Bộ NN-PTNT (với vai trò chính là điều tiết về sản xuất nhưng lại đang phải lo luôn cả khâu thị trường tiêu thụ), trong khi vai trò của Bộ Công thương là đi khai thác thị trường, xúc tiến thương mại hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp thì lại mờ nhạt. Thậm chí còn có ý kiến khẳng định, nông dân đang phải tự bơi trên thị trường, từ xác định trồng cây gì, nuôi con gì đến bán ở đâu, cho ai… mà chưa có những định hướng sát sườn của cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.
Nhiều năm qua, xuất khẩu nông sản Việt Nam đã đem lại một nguồn thu ngoại tệ rất lớn cho kinh tế đất nước. Theo Bộ NN-PTNT, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2016 là 32,1 tỷ USD (mặc dù khó khăn nhưng lại lập nhiều kỷ lục bất ngờ) và năm 2017 tiếp tục đặt ra mục tiêu bằng hoặc cao hơn năm ngoái. Hạt gạo, con tôm, trái thanh long, bột dăm gỗ… cùng hàng ngàn sản phẩm nông nghiệp khác do chính nông dân, doanh nghiệp Việt Nam làm ra đã có mặt ở ít nhất 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuy nhiên, đầu ra cho các sản phẩm nông sản Việt Nam hiện nay vẫn cứ phập phù, may rủi. Thị trường nội địa thì thừa, thị trường xuất khẩu lại thiếu. Trong khi nông dân không đủ năng lực để đưa sản phẩm của mình xuất ngoại, thì các doanh nghiệp xuất khẩu lại liên tục gặp rủi ro về hàng rào kỹ thuật, các lệnh kiểm dịch, thuế chống bán phá giá, chi phí vận chuyển quá cao, không vay được vốn ưu đãi…
Về việc lo đầu ra cho nông sản, hiện nay Bộ Công thương đang quản lý rất nhiều cơ quan liên quan như Vụ Thị trường trong nước, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu, rồi các vụ thị trường tại các khu vực như châu Á - Thái Bình Dương, châu Mỹ, châu Âu, châu Phi… chưa kể đội ngũ tham tán thương mại tại các nước. Còn Bộ NN-PTNT thì có Cục Chế biến và thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối. Vậy nhưng suốt nhiều năm nay, tình trạng nông sản làm ra rớt giá liên tục lặp đi lặp lại, không chỉ có heo, dưa hấu mới đây mà trước đó còn chuối, khoai lang, hành tím và nhiều loại sản phẩm khác ế ẩm, không bán được. Thật khó lý giải và chấp nhận một ngành nông nghiệp với hơn 60 triệu người dân sống ở nông thôn, trong đó có khoảng 23 triệu người trực tiếp làm nông nghiệp, mà năm nào cũng phải hô hào, vận động “giải cứu” nông sản.
Nhiều chuyên gia cho rằng, vấn đề mấu chốt của nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay là phải xây dựng thị trường tiêu thụ ổn định cho nông sản để nông dân yên tâm làm giàu, doanh nghiệp có thể vững tin đầu tư vào nông nghiệp. Đồng thời phải kiểm soát tốt quy hoạch, kiểm soát chi phí đầu vào, điều tiết nguồn cung chứ không thể đứng nhìn tình trạng phá vỡ quy hoạch một cách bất lực rồi tự bơi trên thị trường hoặc kêu gọi giải cứu như hiện nay. Để có thị trường ổn định thì phải xác định thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nâng cao chất lượng sản phẩm để đạt mục tiêu đa dạng hóa về thị trường xuất khẩu, không thể phụ thuộc vào một thị trường. Cùng với sự hỗ trợ về hợp tác và ngoại giao của Chính phủ, bản thân các tư lệnh ngành nên sát cánh cùng doanh nghiệp, tổ chức đi tìm thị trường, đặc biệt là các tham tán thương mại phải thể hiện rõ vai trò quan trọng của mình trong việc chủ động cung cấp thông tin về tình hình và nhu cầu của thị trường nông sản các nước sở tại, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc về chính sách, rào cản xuất khẩu. Và điều còn quan trọng hơn khi nói về chuyện “mang chuông đi đấm xứ người”, mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản là chuông phải kêu, hàng phải tốt và có uy tín thương hiệu thì mới có cửa vào các “chợ ngoại”.