Theo thông cáo báo chí dẫn thông tin từ Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, thời gian gần đây, trái nhãn Đồng Tháp đã từng bước xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, được thị trường trong và ngoài nước chấp nhận. Đến nay, toàn tỉnh này có hơn 5.340ha nhãn, sản lượng mỗi năm ước tính hơn 53.000 tấn.
Tính riêng tại huyện Châu Thành – địa phương trồng nhãn nhiều nhất tỉnh Đồng Tháp, đã có hơn 3.660ha nhãn. Nhãn là cây có giá trị kinh tế cao, đặc thù, được trồng nhiều nhất ở vùng cồn xã An Nhơn và các xã An Phú Thuận, An Khánh, Phú Hựu...
Còn theo thông tin từ Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng, nhãn là một trong loại cây ăn trái chủ lực của tỉnh này, được trồng tập trung chủ yếu tại các huyện Kế Sách, Cù Lao Dung, Long Phú và Vĩnh Châu. Diện tích trồng nhãn của Sóc Trăng là 3.130ha, đang cho trái 2.536ha. Cơ cấu giống gồm nhãn da bò 54,5%, nhãn xuồng 22,9%, nhãn Idor 13%, thanh nhãn 8,3% và các giống nhãn khác 1,3%.
Thời gian thu hoạch từ tháng 7-2021 đến tháng 12-2021 với sản lượng khoảng 24.400 tấn; thời điểm thu hoạch tập trung đối với nhãn xuồng là tháng 7 - 8; thanh nhãn là tháng 8-9; nhãn Idor là tháng 10 - 11; nhãn da bò rải rác từ tháng 7 - 12.
Với mục tiêu đồng hành cùng các địa phương, san sẻ yêu thương - chung tay vượt qua đại dịch Covid-19, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị này nhằm hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất quảng bá sản phẩm, kết nối giao thương với các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm trên cả nước, tránh bị đứt gẫy chuỗi cung ứng do ảnh hưởng của đại dịch...